Đây là nhận định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khi đề cập đến những tác động đối với tình hình kinh tế khu vực.
Phát biểu tại cuộc họp báo tại Frankfurk (Đức), Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos khẳng định: "Một cuộc chiến thương mại tiềm ẩn có lẽ vẫn là rủi ro và mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như sự ổn định tài chính".
Một số yếu tố khác như tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, hay sự yếu kém tại các thị trường mới nổi, căng thẳng thương mại giữa Brussels, Washington và Bắc Kinh cũng đang được xem là nguyên nhân gây ra sự suy giảm tại khu vực Eurozone trong 6 tháng cuối năm 2018. Tuy tốc độ tăng trưởng có phần phục hồi trong 3 tháng đầu năm nay (tăng 0,4% so với quý trước đó), song việc Mỹ và Trung Quốc vẫn bế tắc trong cuộc chiến thương mại đang tiếp tục có những tác động tiêu cực tới khu vực đồng tiền chung châu Âu. Thực tế là Nhà Trắng vẫn kiên trì theo đuổi kế hoạch đánh thuế thương mại đối với các mặt hàng nhập khẩu từ EU như ô tô.
Một số rủi ro khác được ECB xác định bao gồm lợi nhuận thấp của các ngân hàng trong Eurozone, có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn nữa nếu tăng trưởng chậm lại. Ngoài ra, hệ thống tài chính cũng có thể chịu những tổn thất từ cả những "rủi ro vật chất" (như thảm họa tự nhiên) và "rủi ro chuyển đổi" khi nền kinh tế trải qua quá trình chuyển đổi tốn kém nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.