Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 13/7 đã quyết định giữ nguyên khung tín dụng trong khuôn khổ chương trình Hỗ trợ Thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho các ngân hàng Hy Lạp ở mức 89 tỷ euro (tương đương 99 tỷ USD).Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, quyết định trên được đưa ra bất chấp trước đó các nhà lãnh đạo Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thông qua một thỏa thuận về gói cứu trợ thứ 3 trị giá tới 86 tỷ euro cho Hy Lạp để giữ nước này trong liên minh tiền tệ. Theo quyết định của ECB, ngân hàng này sẽ không nâng mức trần hỗ trợ tín dụng thanh khoản cho các ngân hang Hy Lạp, dù trước đó Chính phủ Hy Lạp hy vọng mức ELA có thể được nâng thêm 2 tỷ euro để hỗ trợ các ngân hàng nước này.
Theo các thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính Hy Lạp, Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đã quyết định tiếp tục đóng cửa các ngân hàng ở nước này ít nhất tới ngày 15/7 tới, có thể đến hôm đó Athens sẽ thông báo cụ thể về kế hoạch kiểm soát vốn tiếp theo của mình.
Với quyết định của ECB, nhiều khả năng Hy Lạp sẽ phải siết chặt thêm biện pháp kiểm soát lưu thông nguồn vốn được áp dụng từ cuối tháng 6 ở nước này, như chặn chuyển tiền ra nước ngoài và chỉ cho phép rút 60 euro/người/ngày tại các máy rút tiền tự động. |
Trong lúc này đã có những phản hồi đầu tiên ở trong nước và quốc tế về thỏa thuận "lịch sử" cứu vãn kịch bản "Grexit" khi Hy Lạp phải rời Eurozone. Theo thông báo của Chủ tịch Quốc hội liên bang Đức Norbert Lammert, Quốc hội nước này sẽ biểu quyết việc triển khai các cuộc đàm phán chính thức về gói cứu trợ thứ 3 với Hy Lạp vào sáng 17/7. Tuy nhiên, trước đó, Quốc hội Hy Lạp phải thông qua các biện pháp cải cách và khắc khổ như đã thống nhất với các đối tác Eurozone. Báo Đức còn dẫn lời Thủ tướng Italy Matteo Renzi hoan nghênh các kết quả đạt được sau các cuộc đàm phán kéo dài và căng thẳng tại Brussels (Bỉ). Theo ông, cuộc đàm phán đã nhiều lần tưởng như đổ vỡ, song cuối cùng đã tìm được lối thoát cho cuộc khủng hoảng Hy Lạp.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đánh giá thỏa thuận với Hy Lạp mang tính "cân bằng" và có thể giúp khôi phục lại nền kinh tế của nước cũng như củng cố cả Eurozone. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng hoan nghênh thỏa thuận giữa Hy Lạp và châu Âu, coi sự ổn định của đất nước này là rất cần thiết đối với an ninh của các nước thành viên khác của Khối.
Còn tại Hy Lạp, các đảng đối lập thân châu Âu đã bày tỏ sự ủng hộ rất cần thiết đối với Thủ tướng theo cánh tả Alexis Tsipras khi ông còn phải bảo vệ gói cải cách trên tại quốc hội trong tuần này. Thủ lĩnh phe bảo thủ đối lập Vangelis Meimarakis giải thích, Hy Lạp cần phải "lấy lại hơi" để "có sức" tìm kiếm con đường của mình trong châu Âu một lần nữa. Tuy nhiên, trong nội bộ đảng Syriza của thủ tướng lại có những ý kiến phản đối thỏa thuận cứu trợ, cho rằng đây là thỏa thuận "tồi tệ nhất" để duy trì quy chế "thuộc địa nợ" của Athens. Ngoài ra, một đảng nhỏ khác cũng theo đường lối cánh tả là Antarsya đã kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình phản đối chương trình cứu trợ mới vào đêm 13/7.
Ngày 13/7, sau 17 giờ đàm phán căng thẳng, lãnh đạo châu Âu đã nhất trí thông qua một chương trình cứu trợ mới cho Hy Lạp, giúp nước này tránh phải tuyên bố phá sản và rời khỏi Eurozone kéo theo rất nhiều hệ lụy cho khu vực này. Chương trình cứu trợ thứ ba này có thời hạn 5 năm, giá trị giải ngân cho 3 năm đầu tiên là 86 tỷ euro (khoảng 96 tỷ USD). Đổi lại Athens sẽ phải thi hành các biện pháp kinh tế "khổ hạnh" mà họ vẫn từ chối trước đó, như cải cách lương hưu, tăng tuổi về hưu, cắt giảm ngân sách quốc phòng, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.