Một số thành viên của hội đồng quản lý thiết lập lãi suất của ECB cho rằng những lời chỉ trích gần đây đối với Ngân hàng trung ương Anh (BoE) về nỗ lực giảm lạm phát của ngân hàng này đã đóng vai trò như lời cảnh báo trong các cuộc thảo luận riêng tại Hội nghị thường niên Sintra, Bồ Đào Nha do ECB tổ chức.
Những lo ngại của ECB càng được được nhấn mạnh khi ngày 29/6, Đức báo cáo rằng lạm phát đã tăng nhanh hơn dự kiến và ngay cả khi Tây Ban Nha trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trong Khu vực đồng euro (Eurozone) chứng kiến lạm phát giảm xuống dưới 2% trong gần 2 năm.
Tỷ lệ lạm phát 6,8% của Đức trong tháng 6 cao hơn gấp 4 lần so với mức 1,6% được ghi nhận tại Tây Ban Nha. Điều này cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan mà ECB phải đối mặt về cách kiềm chế lạm phát. Lạm phát của Eurozone dự kiến sẽ giảm xuống 5,6% trong tháng 6 khi dữ liệu giá mới được công bố trong ngày 30/6, vẫn cao hơn mục tiêu 2% của ECB nhưng giảm từ mức cao nhất 10,6% trong tháng 10 do giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục giảm .
Một thành viên hội đồng quản trị khác của ECB cho biết nếu ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất và lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến, đó có thể coi là thành công. Nhưng nếu lạm phát vượt quá dự báo và ngân hàng buộc phải tăng tốc độ tăng lãi suất như BoE đã làm, ECB sẽ bị cho là thất bại.
Lạm phát ở Anh vượt dự báo ở mức 8,7% trong tháng 5, cao hơn đáng kể so với mức 6,1% của Eurozone hoặc tỷ lệ 4% của Mỹ, gây áp lực đối với cả BoE và chính phủ Anh. Giá cốt lõi, không bao gồm năng lượng và thực phẩm, đạt 7,1%, mức cao nhất trong 31 năm. Một thành viên hội đồng của ECB cho biết: “Tình hình của Anh là điều chúng ta có thể học hỏi. Chúng tôi cần thể hiện đang quyết tâm hành động để tránh rơi vào tình trạng tương tự như BoE”.
Phát biểu tại Hội nghị Sintra rằng, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói rằng ngân hàng sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 7 tới “trừ khi có thay đổi quan trọng về triển vọng” và bác bỏ khả năng tăng thêm lãi suất vào tháng 9.