Ngày 11/11, tại thủ đô Abuja của Nigeria, các nhà lãnh đạo 15 nước thành viên Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã nhóm họp khẩn cấp để thảo luận về kế hoạch quân sự nhằm giúp Chính phủ Mali giành lại quyền kiểm soát khu vực miền Bắc từ tay lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Dự kiến, chiến lược này sau đó sẽ được trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) xem xét trước khi triển khai. Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Nigeria Goodluck Jonathan nhấn mạnh cần nhanh chóng triển khai một lực lượng phối hợp để tiễu trừ lực lượng nổi dậy Hồi giáo khỏi miền Bắc Mali cũng như để tránh một "hậu quả gây tổn thất lớn" không chỉ đối với Mali, mà còn đối với các nước ở châu lục Đen nói chung.
Tổng thống Bờ Biển Ngà, Alassane Ouattara - tân Chủ tịch ECOWAS, cũng đánh giá cao nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm tiến tới đạt được một thỏa thuận về chiến lược quân sự chung can thiệp vào Mali.
Các tay súng Ansar Dine tại Kidal, miền bắc Mali. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ECOWAS cũng nhấn mạnh đối thoại vẫn là giải pháp tối ưu để giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia từng là một trong những nền dân chủ ổn định nhất Tây Phi này. Chủ tịch Ủy ban ECOWAS Kadre Desire Ouedraogo cho rằng các nước trong khu vực cần theo đuổi một giải pháp kết hợp cả đối thoại hòa bình và can thiệp quân sự.
Tham dự hội nghị cấp cao này còn có đại diện chính phủ các nước ngoài khối ECOWAS như Angieri,
Mauritania (Môritani), Nam Phi, Marốc và Lybia.
Trước đó một ngày, cũng tại thủ đô Abuja, bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng các nước thuộc ECOWAS đã nhóm họp để thảo luận chi tiết kế hoạch này. Trước đó, HĐBA LHQ đã cho các nhà lãnh đạo châu Phi thời hạn 45 ngày, kể từ ngày 12/10, để lập một kế hoạch quân sự giành lại quyền kiểm soát khu vực phía Bắc Mali từ tay các phiến quân. LHQ muốn làm rõ về thành phần lực lượng dự kiến, mức độ tham gia của từng nước Tây Phi, nguồn tài trợ cho các hoạt động và vũ khí quân sự sẽ sử dụng để thực thi nhiệm vụ này.
Chiến lược quân sự của ECOWAS do các chuyên gia và chỉ huy quân sự của các nước trong khu vực soạn thảo, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU), LHQ. Theo kế hoạch, một lực lượng với hơn 4.000 binh sĩ, gồm cả bộ binh và không quân, chủ yếu từ các nước Tây Phi, sẽ được đưa đến Mali. Một nguồn tin quân đội khác cho biết khoảng 5.500 binh sĩ sẽ được phái tới quốc gia Tây Phi này.
Mali rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng từ tháng Ba, khi các binh sĩ nổi loạn lật đổ Tổng thống được bầu Amadou Toumani Toure. Tình trạng rối ren đã tạo cơ hội cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát ra các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc và tuyên bố ly khai, lập ra "Nhà nước Azawad" và áp đặt luật Hồi giáo Sharia. Tuy nhiên, lực lượng Tuareg sau đó đã bị các tay súng Hồi giáo lật đổ.
Hiện khu vực miền Bắc Mali đang đặt dưới sự kiểm soát của các nhóm Ansar Dine và Phong trào vì thống nhất và Hồi giáo Jihad Tây Phi (MUJAO), được sự hậu thuẫn của nhóm khủng bố Al-Qaeda tại khu vực Bắc Phi Hồi giáo (AQIM).
Theo thống kê của Cao ủy LHQ về người tỵ nạn (UNHCR), khoảng hơn 200.000 người dân Mali phải rời bỏ nhà cửa do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tại miền Bắc nước này.
TTXVN/Tin tức