Theo yêu cầu của chính phủ Ecuador, Văn phòng Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại quốc gia Nam Mỹ này sẽ đóng cửa vào cuối tháng 9 tới.
Trong công hàm gửi Đại sứ quán Mỹ ở Quito tháng 11 năm ngoái, Cơ quan hợp tác quốc tế của Ecuador (Seteci) thông báo USAID không được tiến hành bất kỳ chương trình hợp tác mới nào cũng như không được gia hạn các dự án hiện có.
Công văn trên cũng cho biết các hoạt động của USAID sẽ được nối lại sau khi chính phủ hai nước tiến hành đàm phán và ký kết một thỏa thuận khung mới.
Thế nhưng hai bên đã không đạt được thỏa thuận này.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AP, người đứng đầu Seteci, bà Gabriela Rosero, cho biết USAID sẽ rời Ecuador vào ngày 30/9 tới. Bà khẳng định “quyết định trên đã được thông qua”.
Phát biểu trên truyền hình tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Rafael Correa tuyên bố chính phủ của ông không cần “của bố thí" của USAID, ám chỉ tới vốn tài trợ các dự án xã hội của tổ chức này.
Chính phủ cánh tả hiện nay tại Ecuador không chấp nhận mô hình hợp tác được USAID thực hiện căn cứ thỏa thuận với các chính phủ trước đây, theo đó cơ quan này chỉ cần thông báo cho chính phủ các dự án sẽ triển khai sau khi tự chọn lĩnh vực hợp tác, cách thức đầu tư và nhân sự thực hiện hợp đồng.
Năm 2012 ông Correa đã dọa trục xuất USAID sau khi cáo buộc cơ quan này tài trợ cho các nhóm đối lập cũng như can thiệp vào các vấn đề chính trị nhằm gây bất ổn nước sở tại.
Theo ông, USAID thường xuyên câu kết với Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và tài trợ các nhóm chống đối hoạt động núp danh các tổ chức phi chính phủ tại các nước thuộc Liên minh Bolívar cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA), nhóm tập hợp các quốc gia cánh tả ở Mỹ Latinh.
Thành lập năm 1961, USAID là cơ quan chính phủ hàng đầu của Mỹ chịu trách nhiệm về viện trợ dân sự tại nước ngoài. Văn phòng cơ quan này tại Quito chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực phòng chống bệnh dịch, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội và kinh tế. Kể từ năm 2007, USAID đầu tư khoảng 32 triệu USD mỗi năm vào các dự án tại Ecuador.
Văn phòng USAID sẽ là văn phòng thứ ba trực thuộc Đại sứ quán Mỹ phải “chia tay” Ecuador, sau khi Văn phòng hợp tác an ninh bị trục xuất cuối tháng 4 vừa qua, và trong tháng 9 tới Văn phòng hợp tác chống buôn lậu ma túy cũng ngừng hoạt động.
Tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Bolivia Evo Morales trục xuất USAID sau khi cáo buộc cơ quan này tìm cách phá hoại chính phủ cánh tả của ông. Theo giới chức Bolivia, thay vì thực hiện các chương trình xã hội, tổ chức này lại làm chính trị./.
Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Argentina)