Theo đài truyền hình CNN, quyết định của Tổng thống Bukele được đưa ra xuất phát từ một vụ giao tranh đẫm máu giữa các băng đảng khiến hàng chục người thiệt mạng vào tháng 3, buộc El Salvador đặt trong tình trạng khẩn cấp kéo dài.
Theo ông Tiziano Breda - chuyên gia về Trung Mỹ tại Crisis Group, chính sách chống băng đảng “mano dura” (Nắm đấm sắt) của Tổng thống Bukele dường như đang phát huy tác dụng, khi tỷ lệ giết người giảm dần ở quốc gia này.
Với mức tín nhiệm lên tới 86% trong một cuộc khảo sát vào tháng 10 đối với 12 quốc gia Mỹ Latinh do CID Gallup thực hiện, ông Bukele trở thành nhà lãnh đạo được yêu thích nhất trong khu vực, bất chấp những cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Giới qua sát khu vực cho rằng chính sách trấn áp băng đảng của Tổng thống Bukele có thể sẽ được chính phủ các nước khác thuộc Mỹ Latinh học theo và áp dụng.
El Salvador có một số băng đảng khét tiếng nhất thế giới, như Barrio 18 và MS-13. Băng đảng MS-13 nổi lên ở Los Angeles vào những năm 1980, xuất thân từ những người nhập cư El Salvador rời khỏi quê hương, trốn chạy khỏi cuộc nội chiến bạo lực. Các chuyên gia cho biết băng đảng này đã mở rộng và chiêu mộ những nhóm người di cư Trung Mỹ khác. Vào những năm 1990, nhiều thành viên trong nhóm đã bị trục xuất về nước và khiến bạo lực bùng nổ ở quê nhà.
Trước khi chính sách trấn áp của Tổng thống Bukele triển khai, ước tính có khoảng 70.000 thành viên băng đảng hoạt động trên khắp đất nước. Từ tháng 3 đến tháng 11/2022, với lực lượng tuần tra trên phố liên tục, khoảng 58.000 người đã bị bắt giữ, khiến các nhà tù bị quá tải.
Trong một báo cáo công bố ngày 7/12 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), tổ chức này đã chỉ trích chính sách của Tổng thống Bukele, với những cáo buộc tra tấn và ngược đãi trong khi giam giữ, bắt giữ tùy tiện khi cảnh sát và quân đội nhắm mục tiêu vào các khu dân cư có thu nhập thấp.
Ngày 3/12, cuộc đối đầu với các băng đảng của Tổng thống Bukele leo thang khi lực lượng an ninh hoàn toàn bao vây thành phố đông dân nhất đất nước, Soyapango. Nhà lãnh đạo cũng chia sẻ một đoạn video cho thấy quân đội mang súng đi tuần trong khu vực.
Juan Pappier, một nhà nghiên cứu cấp cao về châu Mỹ tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nói rằng các biện pháp ở Soyapango đã cản trở quyền tự do đi lại của người dân.
Tổng thống Bukele không phải là tổng thống El Salvador đầu tiên đối phó với các băng đảng bằng chính sách trấn áp nghiêm ngặt này.
Giới chuyên gia chỉ ra các Chính phủ Salvador trước đây đã tìm cách đối phó với các băng đảng bằng các chiến lược tương tự song chỉ làm cho kết quả tồi tệ hơn.
Cựu Tổng thống Antonio Saca – người đã nhận tội biển thủ 300 triệu USD công quỹ vào năm 2018 – đã tiết lộ một kế hoạch được gọi là “siêu mano dura”. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc bỏ tù hàng loạt đã dẫn đến việc các băng nhóm củng cố quyền lực sau song sắt.
“Việc triển khai quân đội và cảnh sát chống lại các băng đảng đã dẫn đến việc các băng đảng không chỉ đấu tranh với nhau mà chúng còn hợp lực chống lại chính phủ. Năm 2015, El Salvador vượt Honduras trở thành quốc gia bạo lực nhất thế giới, với tỷ lệ giết người là hơn 100/100.000 dân. Đất nước này đã chứng kiến nhiều màn bạo lực hơn trong những năm gần đây so với thời nội chiến”, một nghiên cứu năm 2020 của học giả D. Rosen – khoa tội phạm hình sự Đại học Holy Family (Mỹ) - đề cập.
Theo Juan Pappier, El Salvador hiện có những điều kiện hoàn hảo để chiêu mộ các thành viên băng đảng mới. “Những người không liên quan đến các băng đảng đang bị bắt, ở trong tù và hoàn toàn bị tước đoạt kế sinh nhai. Đây là những đối tượng dễ bị chiêu mộ và gia nhập”, ông Juan cảnh báo.