Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Ủy ban dược phẩm của EMA ngày 1/9 đã khuyến nghị sử dụng loại vaccine mới được điều chỉnh của BioNTech/Pfizer và Mordena. Cụ thể, nhóm trên 12 tuổi đã tiêm phòng đầy đủ là nhóm được khuyến nghị sử dụng loại vaccine đặc hiệu với biến thể phụ BA.1. Về mặt thủ tục, Ủy ban châu Âu (EC) cần đưa ra khuyến nghị chính thức để triển khai sử dụng loại vaccine mới.
Loại vaccine mới này được thông báo có tác dụng phòng ngừa hiệu quả virus SARS-CoV-2 chủng gốc cũng như biến thể phụ BA.1, dù dòng phụ này không còn xuất hiện nhiều ở Đức như các dòng phụ BA.4 và BA.5. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng loại vaccine phiên bản mới trên cũng sẽ có tác dụng tốt hơn trong việc phòng ngừa các biến thể phụ của Omicron đang chiếm ưu thế.
Hồi giữa tháng 8 vừa qua, Cơ quan Dược phẩm Anh đã bật đèn xanh cho việc sử dụng vaccine đã được điều chỉnh của hãng Moderna. Tại Mỹ, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) ngày 31/8 cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 2 loại vaccine phiên bản mới phòng COVID-19 của Moderna và BioNTech/Pfizer nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron.
Bộ Y tế liên bang Đức dự kiến các loại vaccine mới này sẽ được phân bổ để triển khai tiêm chủng trong những tuần tới. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội miễn dịch học Đức Carsten Watzl, kết quả so sánh các phản ứng kháng thể cho thấy mức độ kháng thể chống biến thể Omicron cao hơn đáng kể ở những người được tiêm vaccine phiên bản mới, bao gồm cả những người trẻ tuổi, người cao tuổi và những người đã khỏi bệnh.
Chính phủ Đức có kế hoạch bắt đầu tiêm vaccine phiên bản mới phòng COVID-19 vào đầu tháng 9 này. Dự kiến, Đức có thể tiếp nhận khoảng 14 triệu liều vaccine của BioNTech/Pfizer và Moderna trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 5/9.