Theo đài RT (Nga), hôm 1/6, phóng viên an ninh của đài BBC Frank Gardner đã hỏi bà Kallas rằng Estonia có kế hoạch B nào trong trường hợp Ukraine thất bại trong cuộc xung đột với Nga hay không.
“Chúng tôi không có kế hoạch B nào cho chiến thắng của Nga. Khi đó, chúng tôi sẽ ngừng tập trung vào kế hoạch A”, bà Kallas trả lời, ám chỉ đến viện trợ quân sự cho Kiev. “Chúng ta không nên đầu hàng trước sự bi quan. Chiến thắng ở Ukraine không chỉ là về lãnh thổ. Nếu Ukraine gia nhập NATO, ngay cả khi không có một số lãnh thổ, thì đó cũng là một chiến thắng vì nước này sẽ được đặt dưới sự bảo trợ của NATO”, bà nói thêm.
Estonia là một trong những nước NATO ủng hộ Kiev mạnh mẽ nhất. Quốc gia này đã hỗ trợ hơn 565 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine, tương đương khoảng 1,4% GDP của đất nước.
Năm 2022, Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO nhưng vẫn chưa nhận được lộ trình gia nhập rõ ràng. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói rằng Ukraine không thể trở thành thành viên của khối cho đến khi xung đột với Nga được giải quyết.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky đã loại trừ khả năng từ bỏ các yêu sách đối với Crimea và các vùng lãnh thổ cũ khác của Ukraine đã sáp nhập vào Nga. Kể từ đầu năm 2024, ông đã ký các hiệp ước an ninh song phương với một số thành viên NATO - bao gồm Anh, Pháp và Đức. Theo các thỏa thuận này, các nước phương Tây cam kết sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự, nhưng không có nghĩa vụ phải coi cuộc xung đột ở Ukraine là một cuộc tấn công vào lãnh thổ của họ.
Về phần mình, Nga cho biết nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine là một trong những nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột hiện nay và căng thẳng chung với phương Tây. Moskva từ lâu đã phản đối việc khối này tiếp tục mở rộng về phía đông. Nga cũng ra điều kiện rằng Kiev phải thừa nhận “thực tế lãnh thổ mới” để tham gia bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai.