Theo trang tin Politico.eu, trong một động thái được cho là giáng mạnh vào các nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc ở châu Âu, Estonia và Latvia ngày 11/8 rút khỏi khuôn khổ hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung, Đông Âu, được gọi là Định dạng '16+1", trong bối cảnh lo ngại sâu sắc hơn về mối quan hệ của Bắc Kinh với Moskva.
Tuyên bố của Trung Quốc về tình hữu nghị "không có giới hạn" với Nga là một nguyên nhân dẫn đến hành động trên của các quốc gia Baltic, vốn lo ngại rằng chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine là tín hiệu báo trước cho một nỗ lực rộng lớn hơn của Nga.
Litva là nước đầu tiên rút khỏi khuông khổ hợp tác trên vào năm ngoái. Động thái mới nhất của Tallinn và Riga đã khiến Định dạng trên trở thành "14 + 1".
Trong trường hợp của Litva, Chính phủ nước này đã chọn theo đuổi chính sách hợp tác ngoại giao sâu hơn với Đài Loan, vốn đã gây ra cuộc tranh chấp thương mại của EU, khi Trung Quốc bắt đầu chặn hàng hóa của Litva tại hải quan.
Bắc Kinh chưa đưa ra bình luận về việc Tallinn và Riga rút khỏi khuôn khổ hợp tác. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung, Đông Âu đang chịu áp lực ngày càng lớn, với việc Trung Quốc bị chỉ trích liên quan đến việc "chia để trị" trong EU và các nước khu vực Trung, Đông Âu đặt câu hỏi về lợi ích kinh tế.
Trong một tuyên bố ngày 11/8, chính quyền ở Tallinn cho biết: "Estonia quyết định sẽ không tham gia vào nền tảng hợp tác giữa các nước Trung và Đông Âu với Trung Quốc nữa. Estonia sẽ tiếp tục hướng tới các mối quan hệ mang tính xây dựng và thực dụng với Trung Quốc, trong đó có việc thúc đẩy quan hệ EU - Trung Quốc phù hợp với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các giá trị như nhân quyền".
Chính phủ Estonia cho biết thêm rằng nước này đã "không tham dự bất kỳ cuộc họp nào theo định dạng trên sau hội nghị thượng đỉnh vào tháng 2 năm ngoái".
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Latvia cũng tuyên bố tương tự: "Theo các ưu tiên hiện tại của chính sách đối ngoại và thương mại của Latvia, chúng tôi đã quyết định ngừng tham gia vào khuôn khổ hợp tác của các nước Trung và Đông Âu và Trung Quốc. Latvia sẽ tiếp tục phấn đấu cho các mối quan hệ mang tính xây dựng và thực dụng với Trung Quốc cả song phương, cũng như thông qua hợp tác giữa EU và Trung Quốc dựa trên lợi ích chung, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhân quyền và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế".
Với việc rút khỏi khuôn khổ hợp tác "16+1", Định dạng này hiện chỉ còn 9 trong số 27 quốc gia EU gồm Bulgaria, Croatia, Séc, Hy Lạp, Hungary, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia, cùng với 5 quốc gia không thuộc EU: Albania, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia.