Báo cáo tạm thời củng cố kết quả đánh giá sơ bộ trước đó của giới chức Ethiopia rằng vụ tai nạn liên quan tới một hệ thống tự động trên máy bay. Báo cáo nêu rõ hai cảm biến ghi lại góc cánh của máy bay- hay còn gọi là góc tấn (AOA)- có độ chênh lệch dữ liệu đọc là 59 độ. Ngay sau khi cất cánh, các dữ liệu AOA đo được ở cánh phải và cánh trái đã có sự chênh lệch. Dữ liệu đo góc cánh trái bị sai và lên tới 74,5 độ. Chính lỗi dữ liệu này đã dẫn tới việc kích hoạt hệ thống điều khiển bay tự động MCAS, liên tục khiến mũi máy bay chúi xuống dưới vì hệ thống hiểu rằng máy bay đang hướng lên quá cao.
Báo cáo của phía Ethiopia không đề cập tới lỗi của các phi công mà chỉ nêu rằng họ đã được tập huấn, cấp phép bay và giám định sức khỏe đủ điều kiện. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng các khóa đào tạo, huấn luyện phi công của Boeing là chưa phù hợp và trong nội dung huấn luyện, thực hành cần có thêm các tình huống khẩn cấp, bất ngờ.
Vụ tai nạn thảm khốc với máy bay của Ethiopian Airlines xảy ra chưa đầy 6 tháng sau khi một máy bay Boeing 737 MAX khác do hãng hàng không Lion Air (Indonesia) vận hành bị rơi khiến 189 người thiệt mạng, dẫn tới lệnh cấm bay toàn cầu với dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing ở thời điểm đó.
Báo cáo của Ethiopia có phần đối lập với báo cáo cuối cùng của giới chức Indonesia về vụ tai nạn của máy bay hãng Lion Air công bố hồi tháng 10/2019 rằng lỗi nằm ở thiết kế phần mềm buồng lái của 737 MAX. Báo cáo của Indonesia cũng quy trách nhiệm cho các nhân viên hàng không và phi hành đoàn.