EU ấn định thời gian khởi động chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 1/12 đã ấn định khung thời gian rõ ràng để khởi động các chương trình tiêm chủng vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng dịch COVID-19. Ảnh: IRNA/TTXVN

Trước đó, Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết sẽ triệu tập một cuộc họp đặc biệt, muộn nhất là trong ngày 29/12, cân nhắc việc cấp phép khẩn cấp để bắt đầu tiêm những liều vaccine đầu tiên do Tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ) và Công ty Công nghệ sinh học BioNtech (Đức) phát triển. EMA cũng sẽ tổ chức một cuộc họp khác muộn nhất vào 12/1/2021 để đánh giá đề nghị trên.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Stefan de Keersmaecker cho biết nếu EMA cấp phép theo quy định, EU sẽ chính thức thông qua sau đó rất nhanh, có thể chỉ "trong vài ngày".

Đề cập đến chương trình tiêm chủng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố các nhóm dễ bị tổn thương và có nguy cơ phơi nhiễm virus nhất sẽ là những đối tượng ưu tiên trong đợt đầu tiêm vaccine vào đầu năm 2021. Những thành phần còn lại sẽ được tiêm trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2021.

Tại Đức, chính phủ hi vọng sẽ khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vào quý I/2021. Nước này đang chuẩn bị các trung tâm tiếp nhận vaccine để phục vụ cho chương trình tiêm chủng toàn quốc.

Cùng ngày, Tây Ban Nha thông báo sẽ mua thêm hơn 50 triệu liều vaccine của 3 hãng dược phẩm, trong đó có Moderna, nâng tổng số vaccine đặt mua của nước này lên thành 105 triệu liều. Tháng trước, Madrid cũng cho biết đã đặt mua thêm hơn 20 triệu vaccine của BioNTech/Pfizer. Cùng với kế hoạch tiêm chủng, Tây Ban Nha cũng khánh thành một khu phức hợp y tế mới khổng lồ, được xây dựng chỉ 3 tháng, với chi phí gần 100 triệu euro (120 triệu USD) nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện tại vùng thủ đô Madrid, vốn đã rơi vào tình trạng quá tải trong đợt đầu tiên dịch bùng phát.

Từ nhiều tháng qua, các công ty dược phẩm trên thế giới đã chạy đua với thời gian để tìm ra vaccine ngừa COVID-19. Theo dữ liệu thử nghiệm quy mô lớn được công bố vào tháng trước, cả hai loại vaccine của Moderna (Mỹ) và BioNTech/Pfizer đều an toàn và có hiệu quả lên tới 95%.     

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo dựa trên giả định việc phân phối vaccine có thể bắt đầu trong vài tuần tới, nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2021.

Với mức tăng trưởng toàn cầu dự báo đạt khoảng 4,2% trong năm tới, thế giới sẽ bù đắp gần như tất cả sự sụt giảm sản lượng đã mất trong năm 2020. Giám đốc OECD Laurence Boone cho rằng sự phục hồi trên phần lớn là nhờ chính sách hỗ trợ của các chính phủ và ngân hàng trung ương. Theo bà Boone, sự phục hồi sẽ mạnh và nhanh hơn khi ngày càng có nhiều hoạt động mở cửa trở lại. 

Phương Hoa (TTXVN)
Brazil triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19
Brazil triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19

Ngày 1/12, Bộ Y tế Brazil đã công bố kế hoạch gồm 4 giai đoạn, theo đó phân loại những người bản địa, nhân viên y tế và những người từ 75 tuổi trở lên sẽ là những đối tượng ưu tiên trong chương trình tiêm chủng quốc gia vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN