Trong một tuyên bố, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại Josep Borrell cho biết: "Để xây dựng một nền hòa bình đúng đắn và vĩnh cửu, các vấn đề quy chế cuối cùng còn tồn đọng phải được quyết định thông qua các cuộc đàm phán giữa hai bên". Các vấn đề đó gồm biên giới của một nhà nước Palestine và quy chế cuối cùng của thành phố Jerusalem.
Ông Borrell nhấn mạnh: "Sáng kiến của Mỹ vi phạm các giới hạn mà cộng đồng quốc tế đã nhất trí". Ông cũng nói thêm rằng các bước sáp nhập lãnh thổ của Palestine nếu được Israel thực thi "có thể gây phản ứng".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố bản kế hoạch hòa bình Trung Đông gây tranh cãi hôm 28/1 vừa qua. Kế hoạch của ông Trump đã được phía Israel hoan nghênh, song bị người Palestine kịch liệt bác bỏ. Văn kiện dài 80 trang này kêu gọi giải pháp hai nhà nước, song thừa nhận Jerusalem là "thủ đô không thể chia cắt" của Israel.
Nói cách khác, văn kiện này trao cho Israel hầu hết những gì họ mong muốn có được trong nhiều thập kỷ xung đột, bao gồm gần như toàn bộ đất đai của người Palestine mà Israel đã cho xây dựng nhà định cư Do Thái trái phép trong thời gian qua.
Jerusalem là thành phố linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái. Sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm Đông Jerusalem và sáp nhập vào lãnh thổ nước mình trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận, và tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn không thể chia cắt của mình. Người Palestine đang nỗ lực thành lập Nhà nước Palestine với các phần lãnh thổ bên trong các đường biên giới trước năm 1967, và thủ đô là Đông Jerusalem.
Chính sách của EU tại Trung Đông theo xu hướng thận trọng, vì khối này gồm các thành viên có quan điểm khác nhau, ủng hộ Palestine hoặc ủng hộ Israel. Một số nước EU đã công nhận nhà nước Palestine dù cả khối cho rằng đây là vấn đề cần được giải quyết qua các cuộc đàm phán hòa bình. EU đã lên án quyết định của Tổng thống Trump năm 2017 thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Theo kế hoạch, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ nhóm họp trong tuần tới để thảo luận thỏa thuận gây tranh cãi trên.