Các nhà lãnh đạo EU thể hiện sự kiên định của họ nhưng vẫn dang tay với Ba Lan, quốc gia đang "xung đột" với EU về tính độc lập của cơ quan tư pháp và tính ưu việt của luật pháp châu Âu.
Lãnh đạo một số quốc gia EU muốn có quyết định chính sách về nguyên tắc ngay lập tức để đóng băng các khoản tiền của EU cung cấp cho Ba Lan, nhưng những quốc gia khác lại ủng hộ việc chờ đợi ý kiến pháp lý cuối cùng từ Tòa án công lý của EU (CJUE).
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki trước thềm hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh sự cần thiết của Ba Lan "đối thoại với Ủy ban châu Âu (EC) để tìm ra giải pháp tương thích với các nguyên tắc và quy tắc chung của khối".
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho rằng Ba Lan là thành viên của EU thì phải tuân thủ các quy tắc của liên minh giống như một thành viên của một câu lạc bộ và hưởng các quyền lợi thì phải tôn trọng các quy định của nó.
Đức tỏ ra muốn tránh một cuộc "đối đầu" với Warsaw. Thủ tướng Angela Merkel ủng hộ việc đối thoại giữa hai bên và hy vọng các nhà lãnh đạo EU tìm ra cách để tránh cuộc khủng hoảng này. Bà cảnh báo tranh chấp trước CJUE không phải là một giải pháp về mặt pháp quyền.
Về phần mình, người đứng đầu Chính phủ Ba Lan cũng sẵn sàng thảo luận với EU về các giải pháp cho những bất đồng hiện tại.
Trước đó, tại phiên họp của Nghị viện châu Âu (EP) hôm 19/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, với tư cách là người bảo vệ các hiệp ước châu Âu, đã cam kết sẽ có những biện pháp đối với Ba Lan để bảo vệ các giá trị cốt lõi của châu Âu.
EU có các thủ tục pháp lý khác để duy trì pháp quyền. Tuy nhiên, các biện pháp trả đũa - về kinh tế hoặc pháp lý - cũng có thể mở ra một cuộc khủng hoảng lớn trong EU và gây khó khăn cho các quốc gia khác ở Đông Âu. Theo một nguồn tin ngoại giao, các thành phần kinh tế ở Ba Lan đang bắt đầu lo lắng về nguy cơ mất hàng chục tỷ euro. Hiện tại, EC chưa chấp thuận việc giải ngân khoản tài trợ trị giá 36 tỷ euro từ kế hoạch kích thích phục hồi kinh tế dành cho Ba Lan.
Warsaw đã xung đột với Brussels từ vài năm nay về cải cách tư pháp do Đảng Bảo thủ quốc gia (PiS) cầm quyền, bị cáo buộc làm suy yếu tính độc lập của các thẩm phán. Mối bất hòa giữa EU và Ba Lan đạt tới đỉnh điểm vào ngày 7/10 với phán quyết của tòa án cao cấp nhất của Ba Lan cho rằng luật pháp chung của EU có phần không phù hợp với luật pháp quốc gia của Ba Lan. Vì thế nước này không nhất thiết phải luôn tuân thủ luật pháp chung của EU.