Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo khẳng định tiếp tục các cải cách tư pháp. Ảnh: EPA/TTXVN |
Trong một thông báo, Ủy ban châu Âu cho biết đã gửi một thông cáo chính thức bằng văn bản cho Ba Lan. Theo đó, Chính phủ Ba Lan có 1 tháng để hồi đáp những quan ngại của EU, vốn cho rằng dự luật cải cách của Ba Lan về tăng quyền lực cho Bộ trưởng Tư pháp sẽ làm "xói mòn tính độc lập của hệ thống tòa án Ba Lan".
Hành động của Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, có thể khiến Ba Lan bị đưa ra Tòa án Công lý châu Âu và sẽ bị tuyên phạt. Vácsava sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt khi EU cho rằng các dự luật cải cách tư pháp trên không chỉ làm gia tăng mối đe dọa đối với những nguyên tắc dân chủ của Vácsava mà còn của cả khối gồm 28 thành viên này.
EU thực hiện bước đi trên sau khi Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hồi đầu tuần đã ký ban hành một đạo luật cho phép Bộ trưởng Tư pháp nước này đơn phương thay thế chánh án của các tòa án của Ba Lan. Tuy nhiên, ông Duda lại phủ quyết 2 dự luật còn lại liên quan đến cải cách hệ thống tòa án.
Các dự luật cải cách tư pháp do đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền tại Ba Lan soạn thảo gây tranh cãi cả ở trong nước và EU. Phe đối lập tại Ba Lan cho rằng các dự luật này sẽ làm mất tính độc lập của tòa án và trao quyền kiểm soát tòa án cho đảng cầm quyền. Các hoạt động biểu tình phản đối cải cách tư pháp diễn ra tại nhiều thành phố của Ba Lan trong suốt thời gian qua.
Trong khi đó, phía EU cảnh báo Ba Lan có thể bị đình chỉ tư cách thành viên EU nếu Vácsava tiếp tục theo đuổi các cải cách gây tổn hại sự độc lập của bộ máy tư pháp và nguyên tắc pháp quyền tại Ba Lan, theo đó EU có thể kích hoạt Điều 7 Hiệp ước Lisbon, hủy bỏ quyền bỏ phiếu của Ba Lan trong liên minh - một biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ của EU.