Sau khi áp đặt các lệnh trừng phạt liên tiếp đối với các nhà cung cấp năng lượng của Nga, Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách lấy lòng các nhà sản xuất hydrocacbon châu Phi nhằm tìm nguồn cung thay thế, với mục tiêu giảm 2/3 phụ thuộc dầu mỏ và khí đốt của Nga vào cuối năm nay. Theo trang mạng Bloomberg, EU coi các quốc gia Tây và Bắc Phi là những nhà cung cấp khí đốt thay thế tiềm năng.
Trả lời phỏng vấn đài Sputnik, Tiến sĩ Mamdouh G. Salameh tại Trường Kinh doanh châu Âu ESCP ở London (Anh), cho biết: "Liên minh châu Âu (EU) đang nắm lấy chiếc phao cứu sinh cuối cùng. Những nỗ lực của khối nhằm đa dạng hóa nhu cầu khí đốt và thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga là việc khó khăn và phải mất nhiều năm để hoàn thành”.
Việc EU chuyển hướng sang châu Phi để tìm nguồn cung thay thế không phải là điều gây kinh ngạc vì châu lục này có nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào. Tuy nhiên, các nhà quan sát chỉ ra rằng trở ngại lớn trong khai thác nguồn dự trữ năng lượng khổng lồ này là khắc phục cơ sở hạ tầng kém phát triển.
“Hai nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) quan trọng của châu Phi là Algeria - hiện xuất khẩu 29,3 triệu tấn và Nigeria - với khả năng xuất khẩu là 22,2 tấn. Các nhà sản xuất còn lại của châu Phi bị hạn chế về năng lực sản xuất và xuất khẩu vì không có nhà máy LNG hay đường ống dẫn khí", chuyên gia Salameh giải thích.
Theo Tiến sĩ Gal Luft, đồng Giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu tại Mỹ, việc mở rộng sản xuất LNG tại châu Phi đòi hỏi nhiều vốn và mất nhiều thời gian.
"Giải pháp thực tế duy nhất mà tôi có thể thấy trước mắt là vận chuyển khí ở dạng nén (CNG) chứ không phải ở dạng hóa lỏng (LNG). Điều này có thể được thực hiện với các công nghệ hiện có bằng cách nén khí trong các bình chuyên dụng. Cách tiếp cận này có thể không cần đến nhu cầu xây dựng các cơ sở hóa lỏng và đông đặc. Nhưng vấn đề là nếu áp dụng cách tiếp cận này, sẽ mất thời gian để chế tạo các tàu chở dầu chuyên dụng. Cũng chưa rõ là Bắc Phi có khả năng tăng cường cung cấp khí đốt trong thời gian tới hay không. Điều này sẽ đòi hỏi vốn đầu tư đáng kể và không có kế hoạch ai sẽ đầu tư”, Tiến sĩ Gal Luft chỉ ra.
Đường ống xuyên Sahara
Giữa tháng 2 vừa qua, ba nước Niger, Algeria và Nigeria đã ký một thỏa thuận nhằm khôi phục xây dựng dự án Đường ống khí đốt xuyên Sahara trị giá 13 tỷ USD. Dự án này còn được gọi là đường ống NIGAL hoặc đường ống khí đốt xuyên châu Phi.
Dự kiến đường ống dài 4.128 km nối thành phố Warri của Nigeria với thành phố Hassi R'Mel của Algeria, đi qua Niger sẽ mang 30 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên đến các thị trường châu Âu mỗi năm qua bờ biển Địa Trung Hải. Trong khi đó, với mỗi năm, các đường ống Nord Stream và Nord Stream 2 của Nga cung cấp tổng cộng 110 tỷ mét khối cho châu Âu.
Tuy nhiên, theo ông Salameh, đường ống khí đốt xuyên Sahara vẫn đang trong giai đoạn bản vẽ và không thể đi vào hoạt động thậm chí trong 10 năm tới.
Đường ống Nigeria-Maroc
Dự án đường ống khí đốt Nigeria-Maroc dự kiến xây dựng là một đường ống ngoài khơi dài 5.660 km để vận chuyển khí đốt từ Nigeria đến Maroc qua 11 quốc gia Tây Phi.
Phát biểu trước các phóng viên ngày 2/5, Bộ trưởng Tài nguyên dầu mỏ của Nigeria, Timipre Sylva nói thêm: “Bên cạnh việc kết nối Nigeria và Maroc, đường ống này còn kết nối trữ lượng khí đốt của châu Phi với châu Âu”. Bộ trưởng Sylva lưu ý Nga và một số nhà sản xuất năng lượng khác trên thế giới quan tâm đến việc đầu tư vào dự án và dự án này có thể khởi động trước tháng 5/2023. Tuy nhiên, vẫn chưa biết chi phí của dự án là bao nhiêu và thời gian khi nào hoàn thành.
Ngoài hai đường ống khí đốt nổi bật trên, vẫn còn một số dự án đường ống khí đốt khác với quy mô nhỏ hơn đang trong giai đoạn lập kế hoạch hoặc xây dựng trên khắp châu Phi. Tuy nhiên, nhiều công trình vẫn chưa hoàn thành do thiếu vốn đầu tư, các cuộc tấn công tội phạm, tình hình an ninh hỗn loạn và sự chia rẽ chính trị trong lục địa.
“EU chỉ có thể bắt đầu giảm dần phụ thuộc vào Nga sau 10-15 năm và sau đó, châu Phi có thể trở thành một nguồn cung thay thế hoàn toàn cho châu Âu”, ông Salameh kết luận.