Người dân Pháp tuần hành ủng hộ người di cư tại Paris. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN hiện đang có mặt tại Strasbourg, Pháp, ngày 6/10, tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu (EP), các nghị sĩ đã thảo luận về kết luận của Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra hôm 23/9 ở Brussels về cuộc khủng hoảng di cư và nhấn mạnh các quốc gia EU cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp nhằm quản ký cuộc khủng hoảng này để chúng không lan rộng ra toàn thế giới.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhắc lại hiện hàng nghìn người di cư đang tới châu Âu vì cộng đồng châu Âu luôn “cởi mở và độ lượng”. Chủ tịch Tusk cho rằng nhiệm vụ chung của toàn châu Âu là phải giúp đỡ người di cư và bảo vệ biên giới ngoại khối. Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu đầu tiên hiện nay là tái lập việc kiểm soát biên giới bên ngoài EU. “Đây là điều kiện cần thiết của chính sách di cư hiệu quả, nhân đạo và an toàn”, Chủ tịch Donald Tusk khẳng định.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu (EC) Âu Jean-Claude Juncker nhấn mạnh “không chỉ nhìn vào bên trong mà cần phải xem xét các vấn đề liên quan ở ngay ngoại vi châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ và EU phải phối hợp với nhau trên con đường này, cần phải hướng tới việc giúp đỡ những người nghèo khổ hiện đang cố gắng đến được bờ biển châu Âu”.
Chủ tịch EC cũng cảm ơn EP đã “bật đèn xanh cho việc phân chia công bằng người nhập cư giữa các quốc gia thành viên”. Theo ông Juncker, quyết định này chỉ ra con đường mà các chính phủ cần phải theo.
Theo ý kiến của các nghi sĩ, EU cần phải có các biện pháp dài hạn cho cuộc khủng hoảng nhập cư và phải mau chóng có câu trả lời cho vấn đề này, vì tương lai của toàn lục địa. Nghị sĩ Pablo Iglesias, đại diện cho Nhóm Nghị sĩ cánh tả châu Âu nhận định “đang có một sự giả dối”.
Trong 15 năm qua, chính sách đối ngoại của EU đã không giúp giải quyết chiến tranh và khủng hoảng. Chi nhiều tiền nhưng vẫn chưa đủ. Điều cần thiết, đó là cho thấy EU ít “giả dối” khi quản lý vấn dề. Còn nghị sĩ Fabio Massimo Castaldoen, người Italya, thành viên Nhóm Tự do và châu Âu, cho rằng việc các quốc gia châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư là “tín hiệu của cuộc khủng hoảng nội khối hiện đang cản trở và đe dọa sự ổn định và tình đoàn kết của toàn châu Âu”.
Riêng đại diện của Hy Lạp, quốc gia tuyến đầu của cuộc khủng hoảng di cư, nghị sĩ Konstantinos Papadakis đề xuất người tị nạn và nhập cư cần phải được EU và Liên hiệp quốc quyết định đưa từ nơi khởi hành tới điểm đến cuối cùng.