Nguồn tin cho biết lệnh cấm sẽ đưa ra ngoại lệ đối với một số sản phẩm trong ngành khai khoáng. Tuy nhiên, thông tin không nêu chi tiết. Theo đó, gói trừng phạt sắp tới dự kiến được hoàn thành vào cuối tuần tới. Dĩ nhiên, gói trừng phạt này cũng cần tất cả 27 quốc gia thành viên EU nhất trí.
Nga có thị trường khai thác mỏ rộng lớn và EU tin rằng việc nhắm mục tiêu vào lĩnh vực này sẽ giúp phương Tây gây thêm áp lực lên nền kinh tế Moskva. Nga là nhà cung cấp titan, paladi, vàng, quặng sắt và urani lớn trên toàn cầu. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ngành khai khoáng của Nga chiếm 1/4 trong tổng số các khoản đầu tư nước ngoài của nước này trước cuộc xung đột Ukraine.
Gói trừng phạt mới cũng sẽ bao gồm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các sản phẩm và công nghệ được ngành quốc phòng Nga sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2, các nước phương Tây và đồng minh đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt sâu rộng từ tài chính tới năng lượng Nga. Mới đây nhất, EU đã thông qua lệnh áp giá trần đối với dầu mỏ Nga xuất khẩu bằng đường biển, có hiệu lực từ ngày 5/12. Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định biện pháp trừng phạt của phương Tây đã không thể tàn phá nước Nga như các quan chức phương Tây hy vọng. Xương sống của nền kinh tế Nga - xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt - nhìn chung vẫn còn nguyên vẹn.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cảnh báo rằng việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt Nga có thể dẫn đến việc giá năng lượng tăng khủng khiếp đối với các hộ gia đình ở châu Âu.