Động thái này được coi là một biện pháp nhằm bảo vệ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen - thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu lương thực ra thị trường thế giới.
Tuần trước, Nga tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc sau ngày 17/7, cho rằng phương Tây đã hành động "thái quá" đối với thỏa thuận này, mặc dù đảm bảo việc xuất khẩu ngũ cốc của Nga sang các nước nghèo sẽ tiếp tục.
Theo Financial Times, kế hoạch của Nga, được đề xuất thông qua các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc làm trung gian, sẽ cho phép công ty con xử lý các khoản thanh toán liên quan đến xuất khẩu ngũ cốc. Công ty này sẽ được phép sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, vốn đã ngắt kết nối với một số ngân hàng lớn của Nga sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra hồi tháng 2 năm ngoái.
Đáp lại thông tin trên, Đại sứ lưu động Bộ Ngoại giao Ukraine, bà Olha Trofimtseva cho rằng EU muốn “bằng cách nào đó tạo điều kiện thuận lợi cho thỏa thuận ngũ cốc”.
Là hai trong số các nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, Nga và Ukraine đóng vai trò quan trọng trên thị trường ngũ cốc và hạt có dầu. Ngoài ra, Nga cũng là quốc gia chiếm ưu thế trên thị trường sản xuất phân bón.
Ngoài việc khôi phục lại quyền truy cập SWIFT, Nga cũng đang tìm cách nối lại nguồn cung cấp máy móc nông nghiệp và các bộ phận, cũng như dỡ bỏ các hạn chế đối với bảo hiểm và tái bảo hiểm. Bên cạnh đó, phía Moskva cũng yêu cầu nối lại đường ống dẫn amoniac Togliatti-Odesa, cho phép nước này bơm hóa chất tới cảng Biển Đen của Ukraine, đồng thời dỡ bỏ phong tỏa tài sản và tài khoản của các công ty Nga liên quan đến xuất khẩu thực phẩm và phân bón.