Cuộc khủng hoảng người di cư bộc lộ nhiều điểm yếu của Hiệp ước Schengen. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thông tin trên được báo "Thời báo Tài chính" (Anh) ngày 3/12 dẫn một nguồn tin từ Luxembourg - nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) - cho biết. Việc phải viện đến biện pháp khẩn cấp này - được ghi trong Điều khoản 26 của Hiệp ước Schengen - cho thấy dự án hội nhập 20 năm tuổi đã bị đe dọa nghiêm trọng bởi sức ép chính trị từ dòng thác 1,2 triệu người di cư đổ vào EU trong năm nay.
Đề xuất nói trên được đưa ra sau khi EU liên tục cảnh báo Hy Lạp phải xem xét lại toàn bộ phương án đối phó của nước này với cuộc khủng hoảng người di cư và tìm kiếm sự trợ giúp bên ngoài hoặc có thể bị đình chỉ tham gia khu vực Schengen.
Nguồn tin từ Luxembourg còn cho thấy, không chỉ Hy Lạp mà còn có thể có thêm một số nước thành viên khác trong khu vực Schengen sẽ chịu sự đình chỉ tương tự. Ngoài ra, việc thực hiện điều khoản này cũng cho phép các nước như Đức, Áo, Pháp và Thụy Điển siết chặt và kéo dài các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời mà họ đã thực hiện và được Ủy ban châu Âu phê chuẩn.