Chính phủ Ba Lan ngày 21/9 đã phải đối mặt với áp lực từ các quan chức EU để làm rõ cách họ sử dụng phần mềm gián điệp cho các mục đích chính trị.
Một phái đoàn gồm các thành viên của Nghị viện châu Âu (EP) đã gặp gỡ các quan chức của Quốc hội Ba Lan và các tổ chức khác trong tuần này. Nhưng phái đoàn đã bị Chính phủ Ba Lan ngăn cản khi từ chối tham gia cuộc gặp.
Người đứng đầu phái đoàn và là nghị sĩ người Hà Lan Jeroen Lenaers nói với các phóng viên vào cuối chuyến thăm rằng, Chính phủ Ba Lan đang "dựa vào các điều khoản an ninh quốc gia" để bảo vệ việc sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus nhằm theo dõi các đối thủ trước thềm cuộc bầu cử năm 2019.
"Không có kịch bản thực tế nào trong đó 'an ninh quốc gia' yêu cầu họ sử dụng phần mềm gián điệp có tính xâm nhập cao như Pegasus chống lại các chính trị gia đối lập, chống lại công tố viên, chống lại luật sư”, Nghị sĩ Lenaers nói.
Ba Lan là một trong 4 quốc gia, cùng với Hungary, Tây Ban Nha và Hy Lạp, nơi các báo cáo về việc sử dụng phần mềm xâm nhập chống lại các nhân vật đối lập chính trị, các thành viên của tổ chức xã hội dân sự và các nhà báo đã dẫn đến những cuộc điều tra và khủng hoảng chính trị - trong một loạt vụ bê bối chính trị tương tự như vụ Watergate - vụ bê bối gián điệp làm rung chuyển nền chính trị Mỹ vào những năm 1970.
Chính trị gia hàng đầu của Ba Lan Jarosław Kaczyński, lãnh đạo đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền, trước đó đã xác nhận Chính phủ nước này có phần mềm gián điệp Pegasus, nhưng Chính phủ Ba Lan đã phủ nhận nó được sử dụng để chống lại các chính trị gia đối lập trong chiến dịch bầu cử Quốc hội năm 2019.
Ông Lenaers cho biết động thái của Chính phủ Ba Lan từ chối các cuộc họp với phái đoàn EU là "một dấu hiệu cho thấy sự thiếu coi trọng đối với việc kiểm tra và công bằng, đối với sự giám sát dân chủ và đối thoại với các đại diện được bầu".
Nghị viện Châu Âu đang tiến hành một cuộc điều tra với tư cách là một phần của ủy ban đặc biệt điều tra việc sử dụng phần mềm Pegasus do Israel sản xuất và các công cụ xâm nhập tương tự của các chính phủ châu Âu.
Nghị viện châu Âu cũng muốn Ủy ban châu Âu vào cuộc, gây áp lực để các nước thành viên EU đảm bảo các quyền công dân và thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư khi sử dụng các công cụ gián điệp như một phần của các cuộc điều tra và công tác tình báo.