Phát biểu với báo giới, Đại sứ Chapuis cho biết 28 thành viên EU sẽ giám sát việc thực thi thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" được ký ngày 15/1 vừa qua giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ông nêu rõ: "Theo ý kiến của chúng tôi, những mục tiêu số lượng không phù hợp với quy định của WTO nếu chúng gây ra rối loạn thương mại. Nếu như vậy, chúng tôi sẽ phải đưa vấn đề này lên WTO để giải quyết".
Đại sứ Chapui cho biết trong cuộc họp tổ chức tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông đã nhận được "sự đảm bảo chính thức tuyệt đối rằng không doanh nghiệp nào ở châu Âu sẽ bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận thương mại Trung-Mỹ".
Trong khi đó, nhà kinh tế hàng đầu của Liên hợp quốc (LHQ) Elliott Harris ngày 16/1 cho rằng việc Trung Quốc và Mỹ ký thỏa thuận kinh tế và thương mại giai đoạn 1 là một dấu hiệu tích cực và giúp giảm bớt một số bất ổn.
Ông Harris nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ giúp đối phó phần nào với sự suy thoái và yếu kém mà chúng ta đang chứng kiến trong nền kinh tế toàn cầu trong 2 năm qua".
Trước đó, ngày 15/1, Mỹ và Trung Quốc đã chính thức ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Nhà Trắng. Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong vòng 2 năm tới và đổi lại Washington sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, ban đầu dự kiến bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15/12/2019, đồng thời hạn chế một số mức thuế đã áp với hàng hóa Trung Quốc. Việc hai nước chính thức ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đánh dấu bước đầu tiên trong việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài gần 2 năm qua.