EU chấm dứt thời trang và hàng hóa có vòng đời ngắn

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 30/3 cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các quy định mới về quan niệm sinh thái mới, giúp chấm dứt mô hình kinh doanh công nghệ và thời trang với các sản phẩm có “vòng đời ngắn” ở châu Âu.

Chú thích ảnh
Diễn viên Aishwarya Rai Bachchan trình diễn mẫu thời trang của hãng L'Oreal tại Tuần lễ thời trang Paris, Pháp. Ảnh tư liệu (minh họa): THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, phát biểu tại họp báo, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách khí hậu Frans Timmermans tuyên bố: “Đã đến lúc chấm dứt mô hình sản xuất hàng hóa có vòng đời ngắn, có hại cho hành tinh, sức khỏe và nền kinh tế của chúng ta...”.

Theo ông Timmermans, kế hoạch mới của EC nhằm làm cho các sản phẩm tại thị trường EU bền hơn, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Ông nhấn mạnh đây là một phần trong nỗ lực cải thiện sự đóng góp của nền kinh tế tuần hoàn đối với các chính sách khí hậu và giảm thiểu chất thải.

EU thải ra khoảng 4 triệu tấn rác thải điện tử, nhưng chưa đến 40% được tái chế. Thực tế này sẽ buộc các nhà kinh doanh các sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu về thông tin và nhãn mác, chẳng hạn như thông tin mức độ sửa chữa của sản phẩm.

Các nhà sản xuất cũng sẽ phải tạo một “hộ chiếu kỹ thuật số cho các sản phẩm” với thông tin bổ sung cho những người sửa chữa hoặc tái chế, chẳng hạn như chi tiết về nội dung tái chế của nguyên liệu hoặc các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Người tiêu dùng có quyền được thông báo về thời gian sử dụng sản phẩm và cách sửa chữa. Thông tin này có thể được bao gồm trong nhãn hoặc trang web của công ty. Ông Timmermans cho biết: “Nếu sản phẩm bị hỏng, chúng tôi có thể sửa chữa chúng. Không nên vứt một chiếc điện thoại thông minh chỉ vì hiệu suất của pin bị giảm”.

Các quy định mới cũng nhằm ngăn chặn việc tiêu hủy các sản phẩm không bán được, và EU đang cân nhắc một lệnh cấm đối với các hoạt động như vậy. Bước đầu tiên, các công ty lớn sẽ phải công khai thông tin về những mặt hàng tiêu dùng không bán được mà họ loại bỏ mỗi năm.

Ngành công nghiệp thời trang đã nhận được sự quan tâm đặc biệt trong đề xuất của Ủy ban Kinh tế Tuần hoàn vì hiện nay, có ít hơn 1% quần áo và giày dép được tái chế tại châu Âu. Thời trang nhanh rẻ nhưng thói quen mua sắm đang thay đổi, do tác động môi trường của việc tiêu thụ hàng dệt may của EU, mối liên hệ với lao động giá rẻ và bằng chứng về tiêu chuẩn sử dụng hóa chất thấp. EU muốn đưa ra các yêu cầu bắt buộc để tăng hiệu suất dệt và khả năng tái chế, cũng như bổ sung các yêu cầu thiết kế để giảm ô nhiễm vi nhựa từ hàng dệt làm từ sợi tổng hợp.

Ủy viên châu Âu về Môi trường, ông Virginijus Sinkevičius kêu gọi chấm dứt thời trang nhanh vào năm 2030 và cho rằng mọi người cảm thấy mệt mỏi với các loại vải bị rách sau một vài lần giặt.

Phát biểu tại cuộc họp báo trên, ông Sinkevičius cho biết: “Đến năm 2030, hàng dệt may được đưa vào thị trường EU phải có tuổi thọ cao và có thể tái chế được, được làm từ phần lớn sợi tái chế”.

Theo ước tính của EC, các tiêu chuẩn mới về quan niệm sinh thái cho các sản phẩm liên quan đến năng lượng đã tiết kiệm cho người tiêu dùng 120 tỷ euro chỉ riêng trong năm 2021.

Đức Hùng (TTXVN)
Hai hãng thời trang Puma và Prada tạm dừng hoạt động bán lẻ tại Nga
Hai hãng thời trang Puma và Prada tạm dừng hoạt động bán lẻ tại Nga

Ngày 5/3, hai hãng thời trang lớn Puma (Đức) và Prada (Italy) thông báo ngừng hoạt động bán lẻ tại Nga, liên quan tình hình ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN