Phát biểu được quan chức EU đưa ra sau khi bà Giorgia Meloni, người đứng đầu liên minh cánh hữu có nhiều khả năng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 25/9 tại Italy, cho biết liên minh này có thể yêu cầu thay đổi nếu giành được quyền lực.
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, phát biểu tại một hội nghị ở thành phố Rimini, vùng Emilia-Romagna, cựu Thủ tướng Italy Gentiloni nêu rõ: “Sự thành công của kế hoạch châu Âu phi thường này sẽ được quyết định ở một mức độ rất lớn bởi việc liệu Italy có thành công trong kế hoạch phục hồi và chống đỡ của mình hay không. Nếu Italy không thành công thì kế hoạch phục hồi sau đại dịch của EU cũng không thể thành công. Nếu có mục tiêu nào đó cụ thể mà mọi người muốn sửa đổi, điều chỉnh, thì cánh cửa ở Brussels sẽ mở ra, nhưng EU chỉ mở ra cho những sửa chữa có mục tiêu và hạn chế, chứ không phải việc nghĩ lại và bắt đầu lại từ đầu một chương trình mà số phận của nền kinh tế châu Âu đang phụ thuộc”.
Liên minh cánh hữu, do lãnh đạo đảng cực hữu Anh em Italy Meloni đứng đầu, đã nêu rõ trong cương lĩnh tranh cử rằng họ có thể sửa đổi kế hoạch phục hồi của Italy nếu giành được quyền lực sau cuộc bỏ phiếu ngày 25/9. Điều này có khả năng gây ra bất ổn thị trường và có thể khiến Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, đóng băng các khoản giải ngân quỹ phục hồi nếu Rome đi ngược lại các cam kết cải cách.
Theo ông Gentiloni, Brussels đang nói với tất cả các nước EU rằng “tại thời điểm bất ổn như vậy đối với nền kinh tế châu Âu”, bao gồm cả “giá năng lượng tăng cao”, các chính phủ phải “đẩy nhanh” các kế hoạch phục hồi được tài trợ bởi việc phát hành nợ chung.
Các nhà đầu tư đang theo dõi xem liệu sự thay đổi chính phủ có ảnh hưởng đến cam kết của Italy trong việc đáp ứng các mục tiêu quỹ phục hồi của EU, vốn kêu gọi cải cách để nước này được giải ngân khoảng 200 tỷ euro (khoảng 201 tỷ USD) các khoản viện trợ và cho vay.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s Investors Service đã cắt giảm triển vọng của Italy xuống mức tiêu cực vào ngày 6/8 vừa qua, với lý do sự gia tăng bất ổn chính trị và chính sách sau khi chính phủ của ông Mario Draghi sụp đổ và do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.