Hiện các nước EU vẫn chia rẽ về một số vấn đề chính như thúc đẩy một thỏa thuận toàn cầu về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.
Trong dự thảo quan điểm đàm phán, EU kêu gọi loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu và mức tiêu thụ các loại nhiên liệu này sẽ đạt đỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nước EU vẫn chưa đạt được thống nhất về vấn đề này. Nguồn tin từ các nhà ngoại giao EU cho biết khoảng 10 nước trong số 27 quốc gia thành viên liên minh này (trong đó có Đan Mạch, Pháp, Đức, Ireland, Hà Lan và Slovenia) muốn EU đề nghị giảm dần tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, một số quốc gia khác như CH Séc, Hungary, Italy, Malta, Ba Lan và Slovakia lại thận trọng hơn, muốn giảm khí nhà kính do đốt nhiên liệu hóa thạch bằng cách vẫn duy trì sử dụng than đá, khí đốt và dầu mỏ nhưng áp dụng công nghệ để hạn chế phát thải.
Trợ cấp nhiên liệu hóa thạch cũng là một vấn đề gây tranh cãi khác khi các nước phương Tây giàu có như Pháp và Hà Lan đang muốn EU đề nghị xóa bỏ cơ chế này vào năm 2025, trong khi các nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như Ba Lan không muốn đặt thời hạn cụ thể như vậy. Dự kiến, các nước EU cũng sẽ xem xét việc có tuyên bố rằng liên minh này sẽ vượt quá mức mục tiêu ràng buộc về pháp lý là cắt giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ròng vào năm 2030 nhờ các chính sách cắt giảm CO2 mà EU đã thông qua trong 2 năm qua hay không.
EU là một trong những bên đàm phán tham vọng nhất tại hội nghị thường niên về biến đổi khí hậu của LHQ, nơi gần đại diện của 200 quốc gia thảo luận về những nỗ lực nhằm chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. Do đó, có ý kiến cho rằng việc lập trường của EU - nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới - suy yếu có thể dập tắt hy vọng về một thỏa thuận đầy tham vọng tại COP28 sắp tới.
Theo kế hoạch, COP28 sẽ diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), từ ngày 30/11 đến ngày 12/12 tới. Kết quả được chờ đợi là liệu các nước có lần đầu tiên nhất trí về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch tại COP hay không. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu và khí đốt sẽ tạo ra khí nhà kính vốn được coi là nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu.