Theo nhà ngoại giao EU có tham gia đàm phán với AstraZeneca, EC đã đề cập đến việc có hành động pháp lý chống lại AstraZeneca trong cuộc họp ngày 21/4 của 27 đại sứ các nước tại Brussels (Bỉ) - trụ sở của EU. Nhà ngoại giao này cho biết các nước EU phải tự quyết định về việc có tham gia đứng tên trong vụ kiện này hay không.
Hiện AstraZeneca chưa có bất cứ phản ứng nào trước thông tin trên.
Là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, EU đã lên kế hoạch tiêm chủng từ rất sớm. Trong năm 2020, EU đặt hàng 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 từ 6 nhà sản xuất và con số này hiện tiếp tục tăng lên gần 3 tỷ liều, cho tổng dân số của EU là 450 triệu người. Tuy nhiên, hiện tại, sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng, các nước EU đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine, chủ yếu do tiến độ bàn giao chậm trễ của hãng dược AstraZeneca.
Theo hợp đồng ban đầu giữa hai bên, AstraZeneca có nghĩa vụ cung cấp 120 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho khối này trong quý từ tháng 1 đến hết tháng 3 và 180 triệu liều trong quý tiếp theo. Tuy nhiên, trên thực tế, hãng AstraZeneca mới chỉ bàn giao chưa đến 25% trong quý I và hãng này nhiều lần thông báo kế hoạch cắt giảm lượng vaccine ngừa COVID-19 bàn giao cho EU.
AstraZeneca từng thừa nhận công ty này còn thiếu khoảng 60% trong tổng số 100 triệu liều vaccine dự kiến giao cho EU trong quý I/2021, do vấn đề năng suất của các nhà máy sản xuất tại châu Âu.