EU công nhận COVID-19 là bệnh nghề nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) mới đây cho biết các đại diện từ các quốc gia thành viên, người lao động và người sử dụng lao động tham gia Ủy ban Cố vấn của Liên minh châu Âu (EU) về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc (ACSH) đã đạt thỏa thuận về sự cần thiết phải công nhận COVID-19 là một bệnh nghề nghiệp trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dịch vụ xã hội và giúp việc tại nhà, bởi trong bối cảnh đại dịch, người lao động trong các lĩnh vực này phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Aachen, miền Tây Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Danh sách bệnh nghề nghiệp của EU được cập nhật nhân dịp này. Do đó, EC sẽ phải cập nhật khuyến nghị đưa ra năm 2003 về bệnh nghề nghiệp theo như cam kết của ủy ban này hồi tháng 6/2021 bằng cách trình bày một chiến lược mới về sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc.
Mục đích là để các quốc gia thành viên điều chỉnh luật pháp quốc gia phù hợp với khuyến nghị cập nhật. Sau khi COVID-19 được công nhận là bệnh nghề nghiệp ở một quốc gia thành viên, người lao động trong các lĩnh vực liên quan mắc bệnh tại nơi làm việc có thể được hưởng các quyền cụ thể.

 ACSH khuyến nghị EC thêm mục mới “408” vào khuyến nghị này, nhấn manh: “Hầu hết các quốc gia thành viên đã báo cáo với Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) rằng họ công nhận COVID-19 là một bệnh nghề nghiệp hoặc tai nạn tại nơi làm việc, phù hợp với các điều kiện được xác định ở cấp quốc gia. Do đó, việc cập nhật khuyến nghị sẽ góp phần đạt được một sự nhất quán hơn ở cấp độ EU trong vấn đề này ”.

Đức Hùng (TTXVN)
Hàn Quốc gia hạn quy định cách ly bắt buộc
Hàn Quốc gia hạn quy định cách ly bắt buộc

Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc Lee Sang-min ngày 20/5 cho biết nước này sẽ kéo dài quy định cách ly bắt buộc 7 ngày đối với bệnh nhân COVID-19 thêm 4 tuần, cho đến ngày 20/6.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN