Trong một tuyên bố, người phát ngôn trên cho biết thêm EU đang tiến hành các cuộc đàm phán để nhận thêm 100 triệu liều vaccine theo hợp đồng đã ký kết với 2 công ty trên.
* Cùng ngày, chính quyền Kazakhstan cho biết đã ký thỏa thuận sơ bộ với hãng dược phẩm Pfizer để mua vaccine của Pfizer/BioNTech.
Thứ trưởng Bộ Y tế Marat Shoranov nêu rõ: “Hôm nay, chúng tôi đã ký một thỏa thuận bảo mật với Pfizer và sẵn sàng xử lý các thủ tục cung cấp những vaccine này trên lãnh thổ Kazakhstan bằng cách cấp các giấy phép đặc biệt. Mọi việc tùy thuộc vào năng lực sản xuất, cũng như khả năng cung cấp dược phẩm của Pfizer cho Kazakhstan”. Đến nay, quốc gia Trung Á này đã ghi nhận 152.460 ca mắc và 2.196 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
* Theo hãng tin AFP (Pháp), giới chức Philippines cùng ngày 28/12 cho biết các thành viên trong đội cận vệ của Tổng thống Rodrigo Duterte đã được tiêm vaccine do hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc) bào chế để phòng COVID-19. Đây là những người đầu tiên tại Philippines được tiêm phòng dù đến nay Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm của nước này chưa chính thức cấp phép cho loại vaccine nào.
Trong thông báo, người đứng đầu Nhóm An ninh Tổng thống (PSG), Chuẩn tướng Jesus Durante xác nhận một số cận vệ của tổng thống đã được tiêm vaccine. Khi được hỏi về việc Tổng thống Duterte đã được tiêm vaccine chưa, ông Durante nói rằng Tổng thống vẫn đang chờ "loại vaccine hoàn hảo hoặc phù hợp". Hiện Chính phủ Philippines đang đàm phán với một số công ty dược phẩm, trong đó có tập đoàn AstraZeneca (Anh), Pfizer (Mỹ) và Sinopharm để đảm bảo nguồn cung 60 triệu liều vaccine cho người dân từ quý II/2021.
* Viện Serum của Ấn Độ - nhà sản xuất và phân phối vaccine COVID-19 do Đại học Oxford và công ty AstraZeneca (Anh) bào chế, thông báo họ rất hy vọng trong vài ngày tới, Chính phủ Ấn Độ sẽ phê duyệt vaccine này để sử dụng khẩn cấp. Theo Viện Serum, hãng đã sản xuất được 40 - 50 triệu liều vaccine của AstraZeneca/Oxford.