EU đe dọa một loạt biện pháp trừng phạt Nga

Đêm ngày 6/3, tại Brussels (Bỉ), Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc cuộc họp thượng đỉnh bất thường về Ukraine. Sau 6 giờ hội đàm, 28 nhà lãnh đạo EU đã nhất trí gia tăng sức ép đối với Nga bằng cách dừng đàm phán thị thực và đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung.      

Kết thúc hội nghị, giới chức EU thông báo liên minh này đã vạch ra một kế hoạch gồm 3 bước nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine hiện nay: Thứ nhất, EU dừng ngay lập tức các cuộc đàm phán thị thực với Nga, dừng công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G8 sẽ diễn ra tại thành phố Sochi của Nga thứ hai, giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine thông qua đàm phán giữa Ukraine với Nga và bằng cách thiết lập cơ chế đối thoại quốc tế, ví dụ theo hình thức nhóm công tác. 

Từ trái sang phải: Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, Thủ tướng lâm thời Ukraine Arsenii Yatseniuk, Chủ tịch Hội đồng EU Herman Van Rompuy và Cao ủy phụ trách về Đối ngoại của EUCatherine Ashton trước cuộc họp bất thường về tình hình Ukraine tại trụ sở EU ở thủ đô Brussels, Bỉ ngày 6/3. Ảnh: AFP-TTXVN


Các cuộc đàm phán cần được khởi động ngay lập tức và có kết quả trong một thời hạn nhất định. Bằng không, EU sẽ áp đặt các biện pháp bổ sung, bao gồm cấm nhập cảnh và phong tỏa tài khoản của các quan chức Nga và hủy hội nghị thượng đỉnh Nga-EU sắp tới và thứ ba, bất cứ hành động tiếp theo nào của Nga “gây bất ổn tình hình” ở Ukraine sẽ dẫn tới hậu quả lâu dài giữa Nga và EU, bao gồm các biện pháp trừng phạt về kinh tế.      

Đối với Ukraine, EU tuyên bố sẽ ký thỏa thuận liên kết với Kiev trước khi quốc gia Đông Âu này tiến hành bầu cử tổng thống vào ngày 25/5 tới. Các nhà lãnh đạo EU cũng nhất trí với đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc cung cấp gói viện trợ trị giá 11 tỷ euro (khoảng 15 tỷ USD) cho Ukraine có thời hạn đến năm 2020, song với điều kiện Kiev phải thực thi toàn bộ yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).      

Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh EU bất thường, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Herman Van Rompuy đã gọi cuộc khủng hoảng Ukraine là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ sau cuộc chiến tranh Balkans. Tuy nhiên, hãng thông tấn Itar-Tass của Nga bình luận rằng quan chức châu Âu này đã bỏ qua chi tiết là cuộc chiến tranh Balkans đã kết thúc bằng các đợt ném bom của NATO xuống Serbia vào năm 1999 và sau đó là việc Kosovo đơn phương tuyên bố ly khai khỏi Serbia rồi được 23/28 quốc gia thành viên EU công nhận.          

Tại Ukraine, Crưm tiếp tục là điểm nóng của cuộc khủng hoảng với những tranh cãi về tính pháp lý của cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Liên bang Nga mà nước cộng hòa tự trị này dự định tiến hành.      

Ngày 6/3, Hội đồng Tối cao (tức Nghị viện) nước CH tự trị Crưm nhất trí sẽ trưng cầu ý dân vào ngày 16/3 tới về việc sáp nhập vào Nga với tư cách như một chủ thể liên bang. Ngay lập tức, Tổng thống tạm quyền Ukraine Alexandr Turchinov tuyên bố chính quyền tại Crưm là bất hợp pháp và cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 16/3 tới là vi hiến. Nhà lãnh đạo tạm quyền này cũng cho biết Quốc hội Ukraine đã bắt đầu thủ tục giải tán Nghị viện Crưm. Ủy ban Bầu cử Trung ương Ukraine thông báo đã chặn truy cập cơ sở dữ liệu cử tri của Crưm và Sevastopol.      

Cùng ngày, Mỹ và Canada cũng lên tiếng bác bỏ tính hợp pháp của cuộc trưng cầu ý dân tại Crưm. Tổng thống Mỹ Barak Obama cho rằng cuộc bỏ phiếu này là vi phạm Hiến pháp Ukraine và luật pháp quốc tế. Thủ tướng Canada Stephen Harper thì tuyên bố sẽ không công nhận kết quả cuộc trưng cầu ý dân. Sau cuộc họp khẩn cấp đêm ngày 6/3, EU cũng tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân ở Crưm không phù hợp với Hiến pháp Ukraine nên bất hợp pháp.      

Trong khi đó, chính quyền Crưm nhấn mạnh nghị quyết trở thành một phần thuộc LB Nga mà Nghị viện nước cộng hòa tự trị này thông qua đã có hiệu lực và những quân nhân Ukraine trên lãnh thổ của Crưm sẽ bị xem như những "kẻ xâm chiếm", do đó sẽ buộc phải hạ vũ khí hoặc rời khỏi vùng lãnh thổ này. Thủ tướng Krym Sergei Aksyonov cho biết trong ngày 7/3, một phái đoàn nghị sĩ Crưm sẽ tới Moskva để thảo luận với đại diện hai viện Quốc hội Nga về vấn đề cấp thị thực cho người dân Krym trong trường hợp CH tự trị Crưm sáp nhập với LB Nga.      

Vấn đề càng trở nên phức tạp khi cùng ngày 6/3, Hội đồng thành phố Sevastopol trên bán đảo Crưm cũng nhất trí sẽ tiến hành trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào LB Nga. Cuộc bỏ phiếu sẽ được tổ chức vào ngày 16/3 tới, tức là trùng với thời điểm CH tự trị Crưm tổ chức hoạt động tương tự. Sevastopol cùng với thủ đô Kiev là hai thành phố có quy chế đặc biệt của Ukraine. Đây cũng là nơi Hạm đội Biển Đen của Nga đóng quân liên tục hơn hai thế kỷ qua.


TTXVN/Tin tức
   Cuba đồng ý đàm phán bình thường hóa quan hệ với EU
Cuba đồng ý đàm phán bình thường hóa quan hệ với EU

Ngày 6/3, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez thông báo nước này đã đồng ý khởi động các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) nhằm bình thường hóa quan hệ sau 10 năm đình chỉ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN