Các cuộc biểu tình diễn ra chỉ vài tháng trước khi Liên minh châu Âu (EU) tổ chức bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), dự kiến vào tháng 6 tới. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu vào ngày 6/2 đưa ra mục tiêu chính tiếp theo nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của khối 27 quốc gia. Nông nghiệp vốn chiếm 11% trong số khí thải đó, là một phần quan trọng.
Nhưng về mặt chính trị, hiện nay là thời điểm tồi tệ bởi biểu tình của nông dân đang sôi sục trên khắp châu Âu. Hàng đoàn máy kéo rủ nhau tiến đến các thành phố lớn. Quy định hạn chế liên quan đến môi trường là một trong những yếu tố khiến người nông dân châu Âu bất bình.
EU đã cam kết đến năm 2050 sẽ trung hòa carbon. Mục tiêu đầu tiên đã được đặt ra cho năm 2030 là cắt giảm lượng khí thải ít nhất 55% so với năm 1990. Đối với cột mốc tiếp theo, năm 2040, các tài liệu làm việc cho thấy EU sẽ đặt mục tiêu giảm ròng 90%.
Trong tuần qua, các quốc gia trên khắp châu Âu, từ Italy, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ, Hy Lạp đến Ba Lan, đều có một điểm chung. Nông dân của họ bất mãn. Nguyên nhân bắt nguồn từ lo ngại về doanh thu thấp, quy định nặng nề liên quan đến khí hậu và hàng nhập khẩu giá rẻ.
Những hàng máy kéo lăn bánh đầy uy hiếp qua khu dân cư ở Ba Lan, các cây cầu ở Đức… Nông dân Bỉ nhắm vào các cửa khẩu biên giới với Hà Lan ở Zandvliet, Meer và Postel, gây ra đình trệ. Tại Pháp, nông dân chặn các đường cao tốc chính dẫn đến Paris cũng như Lyon và Toulouse.
Đoàn máy kéo ở Hy Lạp đã tiến về thành phố lớn thứ hai Thessaloniki vào 1/2. Hình ảnh từ Bồ Đào Nha cho thấy hàng dài xe tải đậu gần biên giới Tây Ban Nha. Tháng trước, các thành phố ở Đức đã rơi vào tình trạng "đóng băng" bởi hàng nghìn nông dân tập hợp bất chấp nhiệt độ băng giá, gây khó khăn cho liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz. Nông dân Italy phản đối quan liêu và hàng nhập khẩu giá rẻ từ bên ngoài EU đã tiến về Rome trên các đoàn máy kéo hôm 5/2 (video dưới, nguồn: Reuters).
Nông dân khắp EU lập luận rằng chi phí năng lượng, phân bón và vận tải đã tăng lên, đặc biệt sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát. Thêm vào đó, các chính phủ đang cố gắng giảm giá lương thực tăng cao trong bối cảnh lạm phát. Dữ liệu của Eurostat cho thấy thu nhập của nông dân từ nông sản đạt đỉnh điểm vào năm 2022 nhưng đã giảm kể từ đó, hạ trung bình gần 9% từ quý 3/2022 đến cùng kỳ năm 2023.
Biến đổi khí hậu cũng khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng và hạn hán đang ngày càng ảnh hưởng đến mùa màng. Người nông dân còn tức giận về các mục tiêu môi trường của EU.
Giảng viên Renaud Foucart tại Đại học Lancaster (Anh) cho biết Thỏa thuận xanh châu Âu là nguyên nhân chính gây căng thẳng. Thỏa thuận này đưa ra các biện pháp bao gồm thuế carbon, cấm thuốc trừ sâu, hạn chế phát thải nitơ, hạn chế sử dụng nước và đất. Ông Foucart nhận định nông dân đang cố gắng trì hoãn các quy định của Thỏa thuận Xanh càng lâu càng tốt.
Trong một diễn biến mới, tờ Politico (Mỹ) đưa tin, dưới áp lực mạnh mẽ từ nông dân, Ủy ban châu Âu đã bỏ những đoạn quan trọng trong đề xuất về mục đến năm 2040 cắt giảm ô nhiễm khí nhà kính. Kế hoạch của Ủy ban châu Âu nhấn mạnh tất cả các lĩnh vực cần đóng góp vào nỗ lực này. Tuy nhiên, đề cập đến khả năng cắt giảm 30% ô nhiễm nông nghiệp từ năm 2015 đến năm 2040, vốn nằm trong các dự thảo trước đây đã bị xóa bỏ.