Ủy ban châu Âu (EC) đã gửi yêu cầu cung cấp thông tin chính thức tới TikTok và YouTube, bước đầu tiên trong quy trình được đưa ra theo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) mới được EU thông qua. EC muốn biết các nền tảng chia sẻ video nói trên đã thực hiện những biện pháp nào để tuân thủ DSA, đặc biệt là liên quan đến những rủi ro đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em.
DSA là một “vũ khí” mạnh của EU nhằm yêu cầu các đại gia công nghệ phải làm nhiều hơn để chống lại sự lan truyền các nội dung bất hợp pháp và có hại, cũng như thông tin sai lệch. Theo luật này, các nền tảng vi phạm sẽ phải đối mặt với mức phạt có thể lên tới 6% doanh thu toàn cầu.
TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc), đặc biệt phổ biến với người dùng trẻ tuổi, trong khi YouTube là một phần của "đế chế kỹ thuật số" Alphabet bao gồm Google. Cả hai công ty sẽ phải trả lời yêu cầu của EC trước ngày 30/11 tới.
Ủy viên châu Âu đặc trách về thị trường nội địa, ông Thierry Breton nhấn mạnh "bảo vệ trẻ em sẽ là ưu tiên thực thi" đối với DSA. Luật cũng cấm quảng cáo có chủ đích tới trẻ vị thành niên từ 17 tuổi trở xuống.
DSA có hiệu lực vào tháng 8/2023 và các quy định của đaọ luật này được áp dụng đối với 19 trang web được EU xếp vào loại nền tảng “rất lớn” có trên 45 triệu người dùng hoạt động hằng tháng, bao gồm Google Search, Facebook, Instagram, TikTok, YouTube, Amazon và AppStore của Apple. Các công ty kỹ thuật số nhỏ hơn sẽ phải tuân thủ DSA từ tháng 2/2024, khi các quốc gia thành viên EU thành lập cơ quan giám sát quốc gia.
EU cũng đã tiến hành các cuộc điều tra nhằm vào TikTok, X (trước đây là Twitter) và Meta, công ty mẹ của Facebook, về cáo buộc thông tin sai lệch về cuộc xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel.