Theo AFP, bà Ammon cho rằng COVID-19 sẽ tiếp tục lây lan trong dài hạn cho dù thế giới triển khai tiêm vaccine. Bà kêu gọi châu Âu giữ nguyên các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch.
Bà nói trong một cuộc phỏng vấn: “Dường như nhiều khả năng là COVID-19 sẽ ở lại chứ không biến mất. Nó dường như đã thích ứng quá tốt với con người. Vì thế chúng ta cần chuẩn bị tinh thần virus SARS-CoV-2 sẽ tồn tại với chúng ta. Đây sẽ không phải là virus đầu tiên chung sống với chúng ta mãi mãi vì thế đây cũng không phải là đặc điểm bất thường của virus”.
Mặc dù vaccine COVID-19 giảm mạnh nguy cơ nhiễm bệnh nhưng các nhà khoa học chưa biết chắc liệu vaccine có giảm lây lan virus hay không.
Về vấn đề này, bà Ammon nói: “Sẽ phải mất vài tháng mới biết được. Ta cần một lượng người nhất định được tiêm vaccine để theo dõi. Đang có các nghiên cứu đặc biệt về vấn đề”.
Thế giới đặc biệt lo ngại rằng vaccine có thể không hiệu quả trong chống một số biến chủng mới của SARS-CoV-2, như biến chủng Nam Phi hay Brazil.
Phát biểu với AFP, bà Ammon chỉ ra rằng vaccine cúm mùa thường xuyên phải có phiên bản mới hàng năm vì virus cúm thay đổi. SARS-CoV-2 cũng có thể như vậy hoặc tại một thời điểm nào đó, virus này vẫn ổn định và ta có thể sử dụng một loại vaccine trong một thời gian dài.
Trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, bà Ammon kêu gọi các nước Liên minh châu Âu (EU) duy trì các biện pháp phòng dịch cho dù số ca mắc giảm ở nhiều nước châu Âu. Theo tiêu chí của ECDC, các nước EU, ngoại trừ Phần Lan, vẫn trong tình trạng dịch tễ gây lo ngại nghiêm trọng.
Bà Ammon nhấn mạnh: “Mọi người đã chán ngấy các biện pháp phòng dịch, nhưng khi đang chạy đua đường dài, ta phải chạy những kilomet cuối cùng”.
Tới ngày 13/2, châu Âu đã có trên 32 triệu ca mắc và trên 760.000 ca tử vong. Số ca mắc hàng ngày khắp châu Âu là 150.000 ca, giảm so với 250.000 ca cách đây một tháng.
Dù vậy, bà Ammon cảnh báo cần nới lỏng các biện pháp từ từ, mỗi lần một biện pháp và chỉ khi tình hình ổn định hoặc số ca mắc giảm thêm thì mới nới lỏng biện pháp tiếp theo.
Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng của EU bắt đầu từ cuối tháng 12/2020 nhưng gặp trở ngại vì thiếu vaccine và quá trình giao vaccine chậm trễ.
Theo dữ liệu ngày 12/2, mới 3% dân số EU được tiêm ít nhất một liều vaccine và 1,4% được tiêm hai liều. EU đã tiêm tổng cộng 20 triệu liều cho người dân.
Trước đó, ngày 10/2, Cơ quan Quản lý Dược phẩm (EMA) của EU đã đề nghị các nhà sản xuất vaccine kiểm tra xem liệu vaccine của họ có bảo vệ con người trước các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được không. Việc một số biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện gần đây là dấy lên lo ngại về nguy cơ tăng số ca nhiễm, trong khi virus gây bệnh có thể "nhờn" vaccine.
Các biến thể mới này bao gồm cả các biến thể đã được xác định tại Anh, Nam Phi và Brazil. EMA cũng đề nghị các nhà phát triển công bố các dữ liệu liên quan, đồng thời cho biết có nhiều lo ngại rằng một vài biến thể mới có thể tác động ở mức độ khác nhau đến khả năng vaccine bảo vệ con người trước dịch bệnh. Tuy nhiên, EMA cũng nói rõ rằng thông tin về việc vaccine giảm hiệu quả bảo vệ đối với bệnh thể nhẹ không đồng nghĩa với việc giảm khả năng bảo vệ đối với các thể nặng, vì vậy cần có thêm bằng chứng.
Đến nay, EMA đã phê chuẩn 3 vaccine để sử dụng trong EU, gồm vaccine của các hãng dược Pfizer/BioNTech (Mỹ - Đức), Moderna (Mỹ) và AstraZeneca/Oxford (Thụy Điển - Anh).
Hãng Pfizer/BioNTech cho biết vaccine của họ vẫn hiệu quả đối với các biến thể mới và các phát hiện sơ bộ không cho thấy cần vaccine mới. Trước đó, Moderna cũng thông báo các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy vacine của họ bảo vệ tốt trước các biến thể được phát hiện tại Anh và Nam Phi.