Cờ EU treo trước đại bản doanh ở Brussels, Bỉ. Ảnh: CTK |
Thông báo của Hội đồng EU cho biết đã gia hạn các chế tài nhằm phản đối việc bán đảo Crimea và thành phố Sevastopol sáp nhập trở lại Nga cho đến ngày 23/6/2019. Quyết định này được đưa ra trong cuộc họp của các bộ trưởng nông nghiệp và ngư nghiệp 28 nước thành viên EU tại Luxembourg.
Theo đó, các biện pháp trừng phạt của EU, bao gồm lệnh cấm các mặt hàng nhập khẩu từ Crimea và Sevastopol; cấm hoạt động đầu tư của các công dân và công ty EU vào bán đảo này; cấm thực hiện các giao dịch mua bán bất động sản tại đây, cũng như việc cung cấp các dịch vụ, bao gồm cả lĩnh vực du lịch. Các tàu của EU bị cấm không được cập các cảng ở Crimea và máy bay không được hạ cánh tại các sân bay của bán đảo này, ngoại trừ tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt cũng bao gồm việc cấm các công dân hay công ty EU xuất khẩu đến bán đảo này một số mặt hàng và công nghệ liên quan đến vận tải, viễn thông và năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt hay khai thác khoáng sản.
Sau khi bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga hồi tháng 3/2014, phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga thông qua 3 hướng độc lập, bao gồm việc hạn chế thị thực đối với các công dân Nga, các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào một số doanh nghiệp nhà nước của Nga trong lĩnh vực dầu mỏ, quốc phòng và tài chính, cùng các lệnh trừng phạt nhằm vào Crimea.
Tất cả các gói trừng phạt đều được ban hành hồi năm 2014. Hai gói trừng phạt đầu tiên được gia hạn mỗi 6 tháng/lần, trong khi các biện pháp nhằm vào Crimea được gia hạn mỗi năm/lần. Ngoài các biện pháp nhằm vào Crimea, EU cũng áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Nga cũng đã đáp trả EU bằng một lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến từ EU.