Đây là đợt giải ngân thứ 2 của EU trong chương trình hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho quốc gia Đông Âu này.
Theo bộ trên, khoản tiền này sẽ được sử dụng để suy trì sự ổn định tài chính của Ukraine trong bối cảnh xảy ra xung đột.
Hồi tháng 2, EU đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho Ukraine 1,2 tỷ euro, trong đó 600 triệu euro đã được giải ngân hồi tháng 3.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, quân đội Ukraine đã nhận được một lượng thiết bị quân sự chưa từng có từ khoảng 14 quốc gia, trong đó Mỹ là nước đóng góp lớn nhất. Trong số hàng loạt thiết bị quân sự đang được cung cấp có hơn 1.400 hệ thống tên lửa phòng không Stinger, 5.500 hệ thống tên lửa chống tăng Javelin, 700 máy bay không người lái Switchblade, và 90 pháo tự hành M777 155mm. Mới đây nhất, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 19/5 cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine trị giá 100 triệu USD.
Trong cuộc hội đàm trực tuyến ngày 20/5 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht với người đồng cấp Ukraine Oleksiy Rezniko, bà Lambrecht cho biết Kiev sẽ nhận được 15 xe tăng phòng không Gepard đầu tiên của Berlin vào tháng 7 tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong gói viện trợ vũ khí của Đức, quân đội liên bang sẽ hỗ trợ huấn luyện cho binh sĩ Ukraine, cung cấp gần 60.000 viên đạn cũng như 15 xe tăng cho nước này trong mùa Hè.
Hãng tin CNN ngày 20/5 dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết, Mỹ sẽ duy trì số lượng binh sĩ hiện nay tại châu Âu ở mức 100.000 nếu tình hình an ninh tại khu vực leo thang căng thẳng. Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các quan chức nói trên cho hay, Mỹ có thể thiết lập nhiều căn cứ quân sự hơn tại châu Âu trong trường hợp môi trường an ninh thay đổi và cũng có thể tăng cường tạm thời quân số nếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quyết định tiến hành nhiều hơn các cuộc tập trận quân sự.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2, Mỹ đã tăng cường số binh sĩ đồn trú tại châu Âu từ khoảng 60.000 lên 100.000 binh sĩ.