Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton đang ở thăm Ai Cập ngày 17/7 đã kêu gọi phóng thích Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi.Trong cuộc gặp một số nhà lãnh đạo chính quyền lâm thời hiện nay ở Ai Cập, bà Ashton đã nhấn mạnh rằng ông Morsi và tất cả các chính trị gia khác đang bị giam giữ cần được phóng thích nếu không có các cáo buộc chống lại họ. Bà Ashton cũng bày tỏ mong muốn quốc gia Bắc Phi này sẽ tổ chức các cuộc bầu cử trong vài tháng tới, đồng thời khẳng định "EU hoàn toàn ủng hộ nhân dân Ai Cập và mong muốn nước này có tiến trình chuyển tiếp dân chủ yên bình".
Biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi ở thủ đô Cairo, ngày 12/7/2013. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Theo người phát ngôn Phủ Tổng thống Ahmed al-Mislimani, tại cuộc gặp với Tổng thống lâm thời Adly Mansour, hai bên đã thảo luận về lộ trình sau khi ông Morsi bị phế truất cũng như tiến trình bầu cử quốc hội và tổng thống. Trong khi đó, cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ chuyển tiếp Hazem al-Beblawi tập trung vào các diễn tiến mới nhất ở Ai Cập và cách thức thúc đẩy quan hệ song phương giữa Ai Cập và EU.
Ngoài ra, bà Ashton cũng có cuộc gặp với các ông Mahmoud Badr và Mohamed Abdel-Aziz, đồng sáng lập chiến dịch "Tamarod" (Nổi dậy) đứng sau làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ ngày 30/6 dẫn tới việc quân đội phế truất ông Morsi. Trong một tuyên bố, chiến dịch này cho biết đã khẳng định với bà Ashton rằng sự kiện xảy ra sau cuộc biểu tình ngày 30/6 không phải là một cuộc đảo chính quân sự mà là một "cuộc nổi dậy của nhân dân".
Bà Ashton cũng đã có cuộc gặp kéo dài 45 phút với một số người ủng hộ ông Morsi, trong đó có cựu Thủ tướng Hesham Qandil, cựu Bộ trưởng Phát triển địa phương Mohamed Ali Bishr, cựu Bộ trưởng Kế hoạch và Hợp tác quốc tế Amr Darrag. Phát biểu sau cuộc gặp này, ông Darrag cho biết EU đã không đề xuất bất kỳ giải pháp nào để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng thời khẳng định cuộc gặp này được tổ chức theo đề xuất của bà Ashton với mục đích chính nhằm "làm rõ quan điểm" của phe Hồi giáo liên quan đến tương lai của nền dân chủ Ai Cập. Vị lãnh đạo cấp cao của tổ chức Anh em Hồi giáo này cũng một lần nữa bác bỏ lộ trình do quân đội hậu thuẫn và khẳng định lực lượng này sẽ không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào cho tới khi ông Morsi được phục chức.
* Ai Cập ấn định thời gian sửa đổi hiến pháp và tổ chức bầu cử Trong một diễn biến khác cùng ngày, phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Mostafa Hegazy, Cố vấn chính trị của tổng thống, cho biết Phủ Tổng thống sẽ tiếp xúc với tổ chức Anh em Hồi giáo và các đảng phái khác vào tuần tới trong khuôn khổ kế hoạch hòa giải dân tộc. Bước đầu tiên trong lộ trình chuyển tiếp là tiến hành sửa đổi Hiến pháp thông qua hai ủy ban đại diện cho tất cả các tầng lớp nhân dân.
Chiều 17/7, hàng nghìn người ủng hộ ông Morsi đã tổ chức biểu tình bên ngoài trụ sở Văn phòng Nội các tại trung tâm Cairo nhằm phản đối chính phủ mới và đòi phục chức cho ông Morsi. Một số cuộc đụng độ nhỏ đã xảy ra tại địa điểm này. Đám đông định kéo tới Quảng trường Tahrir - địa điểm tập trung của những người phản đối ông Morsi - nằm gần đó song bị lực lượng an ninh chặn lại. Trong khi đó, hàng nghìn người khác tiếp tục biểu tình ngồi bắt đầu từ ngày 28/6 tại Quảng trường Rabaa Al-Adawiya và Đại học Cairo.
Trong một diễn biến liên quan, Văn phòng Tổng công tố đã ra lệnh bắt giam 406 người ủng hộ ông Morsi để điều tra về các cuộc đụng độ đường phố xảy ra ngày 15/7 khiến 7 người thiệt mạng. Theo MENA, những người này đối diện với nhiều cáo buộc, trong đó có gây bạo động, phong tỏa một tuyến cầu vượt ở trung tâm Cairo và dùng súng tấn công cảnh sát.
Nhật báo "Almasry Alyoum" dẫn một nguồn tin tư pháp cho biết Cơ quan công tố nhà nước đã ra lệnh mở cuộc điều tra về cáo buộc Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi đã lạm dụng quyền lực để phóng thích cho các tù nhân có liên hệ với các phong trào Hồi giáo. Theo một số luật sư và nhà hoạt động, ông Morsi đã ký lệnh ân xá cho các tù nhân bị kết án tử hình và chung thân, bất chấp sự phản đối của Bộ Nội vụ do lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Cũng trong ngày 17/7, nhật báo "Al Ahram" dẫn một số nguồn tin dấu tên cho biết ít nhất 3 trong số 18 cố vấn thân cận của ông Morsi đã được phóng thích. Trong khi đó, cùng ngày, cơ quan công tố đã ra lệnh bắt giam thủ lĩnh đảng Hồi giáo Wasat Essam Sultan với cáo buộc xúc phạm cơ quan tư pháp.
Tòa án Phúc thẩm Cairo ngày 17/7 quyết định đưa cựu Tổng thống Hosni Mubarak, hai con trai Gamal và Alaa ra xét xử vào ngày 19/8 tới trong vụ án tham nhũng liên quan đến dự án sửa chữa dinh tổng thống. Theo cáo buộc, ông Mubarak và 2 con trai đã biển thủ 1,1 tỷ bảng Ai Cập (hơn 157 triệu USD) tiền công quỹ và sử dụng trái phép tiền nhà nước dành cho việc tu sửa các dinh tổng thống để tu sửa tư dinh trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2011. Dự kiến, cựu Tổng thống 84 tuổi này cũng sẽ phải ra hầu tòa vào ngày 17/8 tới với cáo buộc tham gia sát hại hơn 800 người biểu tình trong làn sóng chính biến đầu năm 2011.
Trong một động thái có thể gây ảnh hưởng tới nỗ lực tìm kiếm đồng thuận của chính phủ mới, phong trào thanh niên "Mùng Sáu tháng Tư" - lực lượng từng dẫn đầu các cuộc biểu tình đường phố lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào đầu năm 2011 - đã ra tuyên bố phản đối nội các mới của Thủ tướng Hazem El-Beblawi với thành phần bao gồm nhiều cựu Bộ trưởng thời Mubarak. Trong một tuyên bố, phong trào này nhấn mạnh: "Liệu các bộ trưởng này có hoàn thành các mục tiêu của cuộc cách mạng từng chống lại chế độ của họ", đồng thời yêu cầu Phủ Tổng thống công bố kế hoạch để đảm bảo sự minh bạch.
TTXVN/Tin tức