Sau khi cử tri Anh quyết định rời khỏi ngôi nhà chung ( Brexit) EU dường như luôn nằm trong tình trạng khủng hoảng và khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ thì chủ nghĩa bảo hộ thương mại càng là mối quan ngại lớn đối với nhiều quốc gia. Có thể nói rằng Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Bên ngoài phòng trưng bày xe ô tô Buick của tập đoàn GM tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 15/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstroem hồi tuần trước cho biết khối này sẵn sàng “sát cánh” với Trung Quốc trong cuộc chiến chống chủ nghĩa bảo hộ. Bà Malmstroem cũng đánh giá cao bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ủng hộ xu hướng toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ở Thụy Sỹ đầu năm nay.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU sau Mỹ, và ngược lại, EU là bạn hàng lớn nhất của quốc gia châu Á này. Trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, thương mại giữa EU và Trung Quốc vẫn vững đà phát triển. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thương mại song phương giữa hai bên đã đạt 3.610 tỷ NDT (524,9 tỷ USD) trong năm 2016, tăng 3% so với năm 2015. Nhiều chuyên gia, trong đó có bà Malmstroem, tin rằng thương mại giữa EU và Trung Quốc còn có thể tăng trưởng ấn tượng hơn thế.
Một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu ước tính rằng một thỏa thuận thương mại tự do song phương với Trung Quốc sẽ đóng góp thêm 83 tỷ euro (88,3 tỷ USD) cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU đến năm 2030, và tạo ra hơn 2,5 triệu việc làm.
Ông Christian Ewert, Tổng giám đốc Hiệp hội Ngoại thương, cho rằng một hiệp định đầu tư song phương, đang trong quá trình đàm phán, sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư châu Âu nền tảng pháp lý và cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc “béo bở” và ngược lại, khuyến khích đầu tư của nước này vào châu Âu.
Có nhiều bằng chứng cho thấy mối quan hệ đang “đơm hoa kết trái” giữa EU và Trung Quốc, như Trung tâm Công nghệ Trung Quốc – Bỉ (CBTC), mô hình vườn ươm doanh nghiệp đầu tiên được Trung Quốc xây dựng ở thành phố Louvain-la-Neuve, Bỉ, nhằm giúp doanh nghiệp hai nước mở rộng thị trường lẫn nhau. CBTC dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2018.
Triển vọng cho mối quan hệ EU-Trung Quốc có thể được tóm lược qua nhận định của ông Fraser Cameron, Giám đốc Trung tâm EU-châu Á, có trụ sở ở Brussels: “Cả EU và Trung Quốc đều cần đảo ngược xu hướng bảo hộ thương mại đang gia tăng ở Mỹ, và cách tốt nhất để thực hiện điều này là khẩn trương hoàn tất các cuộc đàm phán thỏa thuận đầu tư song phương”.