Các nhà đàm phán của các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu đã nhất trí 60% kinh phí trên được huy động từ Quỹ Đổi mới EU - một nguồn thu của thị trường carbon hiện được chi cho các công nghệ “xanh” mang tính đột phá. Trong khi đó, 40% còn lại sẽ được huy động từ việc bán giấy phép phát thải CO2 được cấp trước khi kế hoạch được triển khai.
Thị trường carbon của EU buộc các nhà máy điện và nhà máy công nghiệp phải mua giấy phép phát thải CO2. Khoản tiền này sẽ được đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất năng lượng tái tạo, đổi mới tiết kiệm năng lượng và triển khai các dự án giúp ngành công nghiệp loại bỏ cacbon.
Những năm gần đây, giá của loại giấy phép này tăng mạnh, giúp các nước tăng nguồn thu nhờ bán giấy phép cho các công ty phát thải CO2. Ngày 14/12, giấy phép phát thải carbon tại EU được giao dịch ở mức 88 euro/tấn.
Thỏa thuận trên sẽ chính thức có hiệu lực vào năm tới. Các nhà đàm phán EU cũng dự kiến sẽ đạt được một thỏa thuận vào cuối tuần này để tiến hành cuộc cải cách lớn đối với thị trường carbon. Đây là trọng tâm trong mục tiêu của EU nhằm đến năm 2030 giảm 55% lượng khí thải ròng gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990.