Trong một tuyên bố đưa ra tại Juba, EU lên án cuộc giao tranh xảy ra ngày 2-3/2 vừa qua giữa các lực lượng Quân đội Giải phóng nhân dân Sudan - Đối lập (SPLA-IO) và Mặt trận Cứu quốc (NAS) tại các khu vực Kediba, Kanjawa và Wandi, khiến 7 binh lính quân và 1 thường dân thiệt mạng. Tuyên bố của EU nêu rõ các hành vi bạo lực vi phạm Thoả thuận chấm dứt thù địch và Thoả thuận về giải quyết xung đột ở Nam Sudan (ARCSS) đã được các bên liên quan ký kết.
EU kêu gọi tất cả các bên tuân thủ ARCSS một cách kịp thời và đầy đủ. EU cũng nhấn mạnh các tác động tiêu cực của bạo lực đối với đời sống và sinh kế của người dân trong khu vực. Các vụ giao tranh khiến hơn 5.000 dân thường phải di cư sang CHDC Congo để lánh nạn bạo lực và khiến cho việc tiếp cận hỗ trợ nhân đạo bị cản trở.
Nam Sudan giành độc lập từ Sudan năm 2011, trở thành thành viên thứ 193 của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, nội chiến khốc liệt đã nổ ra tại quốc gia non trẻ nhất thế giới vào năm 2013 khi Tổng thống Salva Kiir cáo buộc cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính. Các cuộc giao tranh đã khiến khoảng 400.000 thiệt mạng và hàng triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa, trong đó nhiều người đang phải đối mặt với nạn đói, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất thế giới.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, khoảng 4 triệu người Nam Sudan phải sơ tán trong nước hoặc ra nước ngoài để lánh nạn bạo lực. Hồi tháng 9/2018, các bên xung đột tại Nam Sudan đã ký kết một thoả thuận hoà bình ở thủ đô Addis-Ababa của Ethiopia, song thỏa thuận này không được tuân thủ đầy đủ.