Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans. Ảnh: EPA/TTXVN |
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Brussels của Bỉ, Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans cho biết EC buộc phải quyết định kích hoạt Điều 7.1 bởi thực tế đã khiến cơ quan này không còn sự lựa chọn nào khác. Với việc kích hoạt trên, Ba Lan có nguy cơ mất quyền bỏ phiếu trong Hội đồng châu Âu.
Theo ông Timmermans, 13 đạo luật được Chính phủ Ba Lan thông qua trong vòng 2 năm đã tạo ra một tình thế mà chính phủ "có thể can thiệp một cách có hệ thống về mặt chính trị vào thành phần, quyền, việc thi hành và chức năng" của giới chức tư pháp. Tuy nhiên, ông Timmermans cho biết Chính phủ Ba Lan có thời hạn 3 tháng để cứu vãn tình hình, đồng thời cho biết EC có thể rút lại quyết định nếu Vácsava thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu trên.
Phản ứng trước động thái trên của EU, Bộ Ngoại giao Ba Lan trong một tuyên bố nhấn mạnh quyết định này của EU là mang động cơ chính trị, không hợp pháp về bản chất và có nguy cơ làm tổn hại lòng tin lẫn nhau. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda được cho cũng sẽ sớm có tuyên bố về vấn đề này.
Chính phủ Ba Lan đã bắt đầu đưa ra những thay đổi trong bộ máy tư pháp sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 2015, đồng thời tuyên bố những cải cách này là cần thiết để chống nạn tham nhũng và xem xét lại toàn bộ hệ thống tư pháp vốn vẫn bị ảnh hưởng bởi thời kỳ cũ.
EC đã từng cảnh báo Vácsava rằng sự thay đổi này là mối đe dọa tới các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền mà Ba Lan đã ký khi gia nhập EU.
Trong giai đoạn đầu thủ tục pháp lý do EC khởi động, các nước thành viên EU được phép xác định liệu có nguy cơ "vi phạm nghiêm trọng" các nguyên tắc pháp quyền.
Một phán quyết như vậy cần sự ủng hộ của 22 nước thành viên EU và việc áp đặt bất kỳ các biện pháp trừng phạt nào sẽ chỉ được thực hiện vào giai đoạn 2 và cần tới sự ủng hộ nhất trí của tất cả các nước thành viên còn lại trong EU, trừ Ba Lan.
Trong khi đó, Hungary tuyên bố sẽ phủ quyết bất kỳ biện pháp nào của EU nhằm vào Ba Lan.