EU khởi kiện Nga độc quyền khí đốt

Ủy ban châu Âu (EC) trong ngày mai (22/4) sẽ đưa ra tuyên bố khởi kiện tập đoàn khí đốt Gazprom (Nga), với cáo buộc lạm dụng quyền chi phối thị trường khí đốt đối với khu vực Đông Âu, vi phạm các điều luật về chống độc quyền.

Phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt từ Nga, một số quốc gia Đông Âu đã lên tiếng chỉ trích Gazprom thao túng giá, bóp méo cạnh tranh. Cùng với việc khởi kiện, những thành viên của ủy ban theo dõi cạnh tranh Liên minh châu Âu (EU) có thể cũng sẽ yêu cầu Gazprom minh bạch hoạt động kinh doanh, tạo điệu kiện để từng nước thành viên được phép luân chuyển, bán khí đốt sang các khu vực khác.

Khí đốt luôn là điểm nóng trong quan hệ giữa Nga với Liên minh châu Âu. Ảnh: Getty Images


Quyết định khởi kiện này được hai nhân vật giấu tên thông hiểu tình hình xác nhận với tờ New York Times (Mỹ). Về phần mình, Gazprom cho biết chưa thể đưa ra bình luận gì, vì chưa nhận được thông tin chính thức bằng văn bản.

Động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga với phương Tây vốn đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, sau việc hai bên áp đặt cấm vận trả đũa lẫn nhau liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Châu Âu hiện là thị trường quan trọng và mang lại nhiều lợi nhuận đối với Gazprom, chiếm khoảng 50% doanh thu của tập đoàn. Sau khi nổ ra khủng hoảng ở Ukraine, Nga đã chuyển hướng sang thị trường châu Âu, ký hai hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá hàng chục tỉ USD với Trung Quốc. Thế nhưng phải mất nhiều năm nữa thì Gazprom mới thu được dòng tiền đầu tiên từ Bắc Kinh và giá bán có thể cũng thấp hơn so với mức giá mà châu Âu đang trả cho Gazprom hiện nay.

Vụ kiện Gazprom được xem là động thái mạnh tay tiếp theo của EU chỉ trong một tuần trở lại đây. Hôm 15/4, Cao ủy phụ trách cạnh tranh EU, bà Margrethe Vestager, đã chính thức khởi kiện Google, cũng với cáo buộc tập đoàn công nghệ của Mỹ đã lạm dụng quyền chi phối thị trường tìm kiếm kết quả trên mạng tại châu Âu.

Trong bài phát biểu của mình, bà Vestager đồng thời cũng đề cập đến việc ủy ban theo dõi cạnh tranh của EU sẵn sàng tiến hành điều tra về “thực thi cạnh tranh” đối với các thị trường năng lượng tại châu Âu. Không chỉ đích xác Gazprom, nhưng người đứng đầu cơ quan giám sát cạnh tranh, chống độc quyền của EU nhấn mạnh, liên minh cần “hành động quyết đoán trước các công ty năng lượng muốn gây hại đối thủ, chặn dòng khí đốt từ một nước này sang nước khác cùng trong khối, hoặc là đe dọa dừng cung cấp khí đốt”.

Chiến dịch điều tra chống độc quyền này được manh nha tiến hành tiến hành từ vài năm trước, với việc các điều tra viên bất ngờ phong tỏa các văn phòng đại diện của Gazprom cũng như trụ sở các đối tác khách hàng hồi năm 2011 để thu thập các thông tin về giá cả, hợp đồng. Đến tháng 9/2012, người tiền nhiệm của bà Vestager là Joaquín Almunia chính thức công khai khả năng khởi kiện Gazprom với cáo buộc “độc quyền”.

Litva là một trong 6 nước thành viên EU phụ thuộc phần lớn vào nguồn khí đốt của Nga. Những nước còn lại gồm có Phần Lan, Latvia, Estonia, Slovakia và Bulgaria. Tính chung lại, khoảng 1/3 nguồn khí đốt mà EU nhập khẩu là từ Nga. Gazprom và Brussels đã nhiều lần mở các cuộc đàm phán giải quyết các bất đồng, nhưng chưa đi đến được một giải pháp thống nhất. Đó cũng là một phần lý do để EU tính đến khả năng khởi kiện.

Các phán quyết có thể sẽ buộc Gazprom chịu mức bồi thường lên đến 10,7 tỉ USD. Nhưng đó chỉ là tính toán về lý thuyết, vì EU chưa bao giờ áp án phạt nào về tội danh độc quyền với mức tiền lớn đến vậy. Một lo ngại khác nữa là, Gazprom sẽ đứng trước nguy cơ buộc phải mở cửa cạnh tranh ở các thị trường mà tập đoàn này từ lâu đã nắm quyền chi phối. Ví dụ như, Gazprom sẽ không được cài các điều khoản về cấm các nước nhập khẩu xuất khí đốt sang các thị trường khác. Việc khởi kiện mới là bước đi đầu tiên và tập đoàn khí đốt hàng đầu của Nga sẽ có thời gian để giải trình, bảo vệ quan điểm trước các cáo buộc trên. Cũng có thể hai bên sẽ tìm được cách dàn xếp, không đẩy vụ việc đi quá xa.


Hoài Thanh (Theo NYTimes, Euobserver)

Cuộc chiến khí đốt: Nga cứng rắn, EU không vừa
Cuộc chiến khí đốt: Nga cứng rắn, EU không vừa

Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đang mở các cuộc tiếp xúc với một loạt các đối tác cung cấp khí đốt ngoài Nga, không loại trừ cả Iran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN