Đầu năm nay, sau các cuộc đàm phán khó khăn và căng thẳng, EU đã thống nhất thông qua các quy tắc sâu rộng đầu tiên trên thế giới để quản lý AI, đặc biệt là các hệ thống phổ biến như ChatGPT của OpenAI. Các quy tắc này được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2021 nhưng nhu cầu thực sự trở nên cấp bách hơn khi ChatGPT bùng nổ vào năm 2022 với khả năng sáng tạo ra văn bản giống con người chỉ trong vòng vài giây.
Ngoài ChatGPT thì các công cụ AI nổi bật khác có thể kể đến như Dall-E và Midjourney, có thể sáng tạo ra hình ảnh theo nhiều phong cách chỉ với câu lệnh đơn giản là ngôn ngữ hằng ngày.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết luật mới có tên gọi là "Đạo luật AI", sẽ dựng lên những lá chắn mới không chỉ giúp bảo vệ người dân và lợi ích của họ mà còn cung cấp cho các doanh nghiệp và nhà đổi mới những quy tắc rõ ràng và chắc chắn.
Các công ty nói chung sẽ bắt đầu phải tuân thủ đạo luật này vào năm 2026 nhưng các quy tắc áp dụng với các mô hình AI như ChatGPT sẽ được áp dụng 12 tháng sau khi luật có hiệu lực. Ngoài ra, các lệnh cấm sử dụng AI để giám sát dựa trên tổng hợp dữ liệu và các hệ thống sử dụng thông tin sinh trắc học để suy đoán chủng tộc, tôn giáo hoặc khuynh hướng tình dục của một cá nhân sẽ được áp dụng 6 tháng sau khi luật có hiệu lực.
Luật áp dụng cách tiếp cận dựa trên phân tích rủi ro: Nếu hệ thống có rủi ro cao, công ty sẽ phải thực hiện loạt nghĩa vụ chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền của công dân. Ví dụ, rủi ro đối với sức khỏe hoặc quyền lợi của người châu Âu càng cao thì các công ty càng phải có nghĩa vụ lớn hơn trong việc bảo vệ cá nhân khỏi bị tổn hại.
Các công ty vi phạm các quy định về các hành vi bị cấm hoặc nghĩa vụ dữ liệu sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 7% doanh thu hằng năm trên toàn thế giới.
Hồi tháng 5 vừa qua, EU cũng đã thành lập "Văn phòng AI" gồm các chuyên gia công nghệ, luật sư và nhà kinh tế theo luật mới để đảm bảo luật được tuân thủ nghiêm ngặt.