Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra hôm 14-15/12 ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã không đạt được đồng thuận về đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) cấp cho Ukraine khoản hỗ trợ lên tới 50 tỷ euro dưới dạng các khoản vay nhằm duy trì bộ máy nhà nước của quốc gia này. Đề xuất này nằm trong kế hoạch đánh giá rộng hơn về ngân sách dài hạn của châu Âu và phải được tất cả 27 thành viên EU nhất trí. Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã phản đối đề xuất trên.
Các quan chức EU sau đó đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thay thế để giúp Kiev vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính đang cận kề. Theo một số quan chức tham gia đàm phán, các nước EU đang xem xét kế hoạch dự phòng được mô tả là giải pháp thiết thực nhất để cung cấp hỗ trợ cho Ukraine nếu Thủ tướng Orban vẫn tiếp tục phản đối vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 1/2/2024. Theo kế hoạch này, các quốc gia thành viên tham gia sẽ cung cấp sự bảo lãnh cho ngân sách EU, qua đó cho phép EC vay tới 20 tỷ euro trên thị trường vốn để cung cấp cho Kiev vào năm tới. Các điều khoản chính xác vẫn đang được thảo luận và số tiền cuối cùng sẽ được ấn định theo nhu cầu của Ukraine.
Kế hoạch này tương tự như cơ cấu được sử dụng vào năm 2020 khi EC cung cấp tới 100 tỷ euro cho các nước EU để triển khai các chương trình hỗ trợ công tác ngắn hạn trong đại dịch COVID-19. Điều quan trọng là giải pháp này sẽ không bắt buộc có sự bảo lãnh từ tất cả 27 quốc gia thành viên EU, miễn là những nước tham gia chính là các quốc gia có mức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu. Điều này sẽ cho phép EU bỏ qua sự phản đối của Hungary vì điều này không đòi hỏi sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên.
Một số quốc gia, trong đó có Đức và Hà Lan, sẽ cần sự chấp thuận của quốc hội các nước này đối với các khoản bảo lãnh quốc gia, một quá trình mà các quan chức hy vọng có thể kịp hoàn tất để cung cấp viện trợ cho Ukraine vào tháng 3/2024. Tuy nhiên, một nhược điểm của kế hoạch này, khi so sánh với đề xuất ban đầu dựa trên ngân sách của EU, là sẽ bị giới hạn ở các khoản vay và không bao gồm các khoản trợ cấp. Các quốc gia thành viên vẫn có thể quyết định cung cấp các khoản tài trợ song phương.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022, các nước phương Tây đã hỗ trợ cho quốc gia Đông Âu này. Mới đây, ba quốc gia gồm Lithuania (Lít-va), Thụy Điển và Canada (Ca-na-đa) lên kế hoạch thành lập một Nhóm lợi ích chung vì Ukraine (CIG4U) trong khuôn khổ Diễn đàn Vận tải quốc tế để hỗ trợ phục hồi ngành vận tải và phát triển các tuyến logistics của Ukraine.