EU lên kịch bản Hy Lạp rời Eurozone

Mặc dù phương án ưu tiên vẫn là giữ Aten ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ít nhất một nửa chính phủ các nước thành viên Eurozone cùng các ngân hàng trung ương và doanh nghiệp lớn đang lên kế hoạch khẩn cấp cho kịch bản Hy Lạp quyết định rời khỏi liên minh tiền tệ này.

 

Ngày 23/5, tại Brussels (Bỉ) diễn ra cuộc họp không chính thức lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu về cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nói rằng, các nhà lãnh đạo EU muốn Hylap ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu. Trong ảnh: Thủ tướng Hy Lạp Panagiotis Pikrammenos phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp.  Ảnh: AFP/TTXVN.

 

Reuters dẫn các nguồn tin ngày 24/5, cho biết, các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo với các nước thành viên chuẩn bị cho kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp Hy Lạp rời Eurozone. Tuy nhiên, giới lãnh đạo EU vẫn yêu cầu Hy Lạp tiếp tục thực thi các biện pháp khắc khổ và hoàn thành chương trình cải cách theo yêu cầu của EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Hiện chưa có kế hoạch khẩn cấp nào ở cấp EU hay cấp độ chính trị, mặc dù việc các chính phủ chuẩn bị cho các kịch bản có thể xảy ra là điều đương nhiên.

 

Thứ trưởng Kinh tế Italia Vittorio Grilli khẳng định Rôma đã sẵn sàng cho kịch bản trên, nếu cử tri Hy Lạp bỏ phiếu cho các đảng không chấp nhận những biện pháp cải cách đã cam kết với EU và IMF để đối lại các khoản vay khẩn cấp trong ngày 17/6 tới. Việc Hy Lạp thâm thủng ngân sách cũng có nghĩa nếu không nhận được thêm tiền từ EU/IMF do Aten ngừng thực hiện thỏa thuận cải cách, nước này sẽ không thể trả lương và phải rời khỏi Eurozone để bắt đầu in tiền của riêng mình.

 

Trong khi đó, căng thẳng tại Eurozone tiếp tục gia tăng sau khi có những thông tin tiêu cực về triển vọng kinh tế khu vực và các nhà đầu tư đang tìm nơi "ẩn náu an toàn" hơn ở Đức do lo ngại tương lai Hy Lạp trong Eurozone. Cùng với kết quả không khả quan sau Hội nghị thượng đỉnh không chính thức EU, cuộc khảo sát thực hiện tháng 5 cũng cho thấy lòng tin giới kinh doanh tại Eurozone cũng giảm mạnh nhất trong vòng 3 năm qua, trong khi chỉ số này tại Đức cũng giảm xuống mức "tồi tệ" nhất trong vòng 6 tháng và tại Pháp thấp nhất trong vòng 37 tháng.

 

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi nhận định EU đang ở trong thời khắc "gian nguy" nhất trong lịch sử và cuộc khủng hoảng nợ kéo dài 3 năm qua càng làm trầm trọng thêm sự nguy kịch của lục địa già này. Một thành viên trong Hội đồng điều hành ECB, Ewald Nowotny cảnh báo Eurozone sẽ trải qua một "cú sốc" lớn với hậu quả khôn lường nếu Hy Lạp rời khỏi liên minh tiền tệ này và quay lại với đồng nội tệ Đrachma.

 

TTXVN/Tin tức

 


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN