EU lo gặp khó khăn trong duy trì hỗ trợ Ukraine khi ông Trump trở lại Nhà Trắng

Theo Bloomberg ngày 9/11, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với tình thế khó khăn khi phải cân nhắc khả năng duy trì hỗ trợ cho Ukraine khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và có thể cắt giảm viện trợ cho Ukraine.

Chú thích ảnh
Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Tại hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu kéo dài 2 ngày ở Budapest (Hungary) diễn ra trong tuần này, các nhà lãnh đạo EU chia rẽ về cách tiếp cận vấn đề trên. Một số cho rằng nên chờ đợi đến khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2025 để nắm rõ ý định của ông. Số khác lại cho rằng EU cần chuẩn bị phương án từ bây giờ.

Theo số liệu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel, EU hiện là nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine với tổng giá trị viện trợ lên tới 118 tỷ euro kể từ khi xung đột với Nga nổ ra năm 2022. Mỹ đứng thứ hai với 85 tỷ euro, tuy nhiên dòng viện trợ đã giảm xuống chỉ còn 17 tỷ euro trong năm nay, bằng một nửa so với EU.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất EU gánh toàn bộ trách nhiệm tài chính đối với Ukraine nếu Mỹ cắt viện trợ. Ông cho rằng điều này là "không thể" và Slovakia sẽ phản đối.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden vẫn tiếp tục tăng cường hỗ trợ Ukraine. Mới đây, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm cho phép các nhà thầu quân sự Mỹ triển khai đến Ukraine để giúp bảo trì và sửa chữa vũ khí, đặc biệt là máy bay F-16 và hệ thống phòng không Patriot.

Đầu tháng 11 này, Lầu Năm Góc công bố khoản viện trợ an ninh bổ sung 425 triệu USD cho Ukraine, bao gồm tên lửa phòng không, đạn dược, xe bọc thép và vũ khí chống tăng. Đây là đợt viện trợ thứ 69 kể từ tháng 8/2021.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục kêu gọi châu Âu tăng cường viện trợ vũ khí thay vì thúc đẩy đàm phán với Moskva. Phát biểu tại Budapest, ông chỉ trích một số nhà lãnh đạo châu Âu vì hối thúc "nhượng bộ" với Tổng thống Nga Vladimir Putin và cảnh báo điều này sẽ là "tự sát" đối với châu Âu.

Theo tờ Pravda (Ukraine), khảo sát cho thấy hơn 90% người Ukraine tin rằng với hỗ trợ đầy đủ từ phương Tây, họ có thể gây ra những tổn thất lớn cho Nga. Tuy nhiên, việc ông Trump tái đắc cử có thể làm thay đổi đáng kể cục diện này, buộc EU phải đối mặt với những quyết định khó khăn về mức độ và phạm vi hỗ trợ cho Ukraine trong tương lai.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Nỗ lực 'mở màn' của EU nhằm tránh thuế quan của ông Trump
Nỗ lực 'mở màn' của EU nhằm tránh thuế quan của ông Trump

Kế hoạch của EU bao gồm tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng động thái này mang tính chính trị nhiều hơn kinh tế và cần được xem xét kỹ trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng của EU.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN