Tuyên bố của EU bày tỏ hy vọng Nga khôi phục tự do đi lại tại Eo biển Kerch và hối thúc các bên "hành động với sự kiềm chế tối đa nhằm xoa dịu tình hình ngay lập tức". Trong khi đó, NATO cũng hối thúc kiềm chế và giảm thiểu căng thẳng, đồng thời kêu gọi Nga đảm bảo việc tự do tiếp cận các cảng của Ukraine tại Biển Azov phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trước đó cùng ngày, Hải quân Ukraine thông báo Nga đã nổ súng và bắt giữ 3 tàu của lực lượng này tại Eo biển Kerch gần Bán đảo Crimea. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) sau đó ra tuyên bố xác nhận các tàu tuần tra của nước này đã bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine tại khu vực trên hôm 25/11, và đã sử dụng vũ khí để buộc các tàu này dừng lại.
Phóng viên TTXVN tại Nga dẫn tuyên bố của Trung tâm Quan hệ công chúng thuộc FSB cho biết lực lượng biên phòng Nga đã bắt giữ 3 tàu chiến của Ukraina (gồm tàu Berdyansk, Nikopol và Yany Kapu) sau khi các tàu này tiến vào lãnh hải của Nga và không có phản ứng trước yêu cầu dừng lại của các lực lượng thuộc FSB và Hạm đội Biển Đen của Nga. Tuyên bố cũng cho biết phía Nga đã phải sử dụng vũ khí, khiến 3 binh sĩ của Ukraine bị thương, song không nguy hiểm đến tính mạng. FSB khẳng định phía Ukraine đã không nộp đơn đề nghị cho tàu của họ được đi qua Eo biển Kerch. Nga cũng đã khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi xâm phạm biên giới quốc gia.
Trong khi đó, Ukraine cho biết nước này đã thông báo trước với Nga về lộ trình trên biển của các tàu chiến của mình. Phía Kiev cũng cho biết có tới 6 binh sĩ của nước này bị thương trong vụ đụng độ. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã triệu tập một cuộc họp với giới chức quân đội trong nước để đánh giá tình hình và các bước đi tiếp theo. Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng hành động của Nga là "hiếu chiến". Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) tuyên bố trên tài khoản Twitter rằng nước này sẽ đệ đơn phản đối lên Hội đồng Bảo an LHQ.
Về phần mình, giới chức Moskva chỉ trích Kiev đang "cố tình" làm leo thang căng thẳng.