EU nhất trí về ngân sách dài hạn 2014-2020

Sau 26 tiếng đồng hồ gần như thảo luận liên tục, ngày 8/2, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về ngân sách của khối trong giai đoạn từ năm 2014-2020.


Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) và Thủ tướng Italia Mario Monti tại hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN


Vượt qua được những bất đồng gay gắt giữa các nước thành viên, các nhà lãnh đạo EU cuối cùng đã nhất trí cắt giảm 34 tỷ euro trong các khoản thực chi trong 7 năm tới - xuống còn 908 tỷ euro.


Trên thực tế, đây là lần đầu tiên khối này cắt giảm ngân sách trong lịch sử 56 năm tồn tại của họ. Cụ thể, khoản cắt giảm lớn nhất nằm trong lĩnh vực nông nghiệp, còn phần ngân sách duy nhất được tăng đáng kể là dành cho “cạnh tranh vì tăng trưởng và việc làm”.


Có thể nói, hội nghị thượng đỉnh bàn về ngân sách dài hạn của EU thực sự là một kỳ họp khó khăn - đúng như nhận định ban đầu của giới chuyên gia từ khi hội nghị được chuẩn bị. Không chỉ phiên họp toàn thể trong ngày họp đầu tiên, ngày 7/2, bị chậm tới gần 6 tiếng đồng hồ mà phiên họp cuối của hội nghị vào chiều ngày 8/2 cũng bị lùi thời gian bắt đầu tới 3 lần. Và, hầu hết các vấn đề quan trọng về ngân sách dài hạn của khối này đều được bàn ở bên ngoài phòng họp chính thức tại Brúcxen.


Phát biểu trong cuộc họp báo khi kết thúc hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy đã nhấn mạnh ngân sách này không chỉ thể hiện sự “hy sinh” của các nước thành viên thông qua các khoản cắt giảm mà còn thể hiện quyết tâm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành tại châu Âu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng và việc làm trong toàn khối.


Trong khi thúc giục Nghị viện châu Âu (EP) nhất trí với ngân sách này, ông Van Rompuy nêu rõ rằng đây là ngân sách hướng tới tương lai, thiết thực và có tính tới những nhu cầu cấp bách. 



Cũng tại buổi họp báo trên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso đã nhấn mạnh các nhà lãnh đạo EU đã “thể hiện sự linh hoạt ở mức tối đa” thông qua đề xuất ngân sách lần đầu tiên bị cắt giảm này, và giờ tới lúc EP thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình.


Trước đó, các nhà lãnh đạo EP cảnh báo rằng họ có thể không chấp nhận ngân sách này và EU cần có thêm những đề xuất linh hoạt. Lãnh tụ nhóm các nghị sĩ xã hội và dân chủ tại EP, Hannes Swoboda, thậm chí còn cho rằng EP có thể yêu cầu EU quay trở lại với ngân sách hàng năm.


Các vấn đề liên quan đến thương mại và quan hệ quốc tế - nổi bật là tình hình tại Mali - đã được các nhà lãnh đạo châu Âu bàn tới trong ngày họp cuối. Về lĩnh vực thương mại, thông cáo chung của hội nghị đã đề cập tới một chương trình nhiều tham vọng của EU và nêu rõ buôn bán hàng hóa, dịch vụ và đầu tư có thể góp phần quan trọng nhằm tăng cường tăng trưởng bền vững và việc làm – một ưu tiên then chốt đối với EU.


Đặc biệt, các nhà lãnh đạo EU cũng đã nhất trí thúc đẩy thỏa thuận tự do thương mại với Mỹ. Các cuộc thương lượng song phương có thể bắt đầu trong vài tháng tới, và trong khi có những cảnh báo rằng sẽ có những cuộc thương lượng khó khăn, cả EU và Mỹ dường như đều muốn nhanh chóng nhất trí về một thỏa thuận, có thể vào cuối năm 2014.


Về tình hình tại Mali, thông cáo chung khẳng định Hội đồng châu Âu hoan nghênh hành động cương quyết của quân đội Mali nhằm khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này và chính quyền của nhà nước Mali. EU cam kết ủng hộ về tài chính và hậu cần để thúc đẩy việc triển khai Phái bộ hỗ trợ quốc tế do châu Phi dẫn đầu tại Mali.



TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN