Phát biểu trên kênh truyền hình Đức SWR, Ủy viên Oettinger xác nhận EU đồng ý làm rõ thêm các điều khoản, nhưng sẽ nói "không" với bất kỳ yêu cầu đàm phán lại nào. Khi được hỏi liệu Ủy ban châu Âu (EC) có thể đồng ý với một giới hạn thời gian cụ thể cho giải pháp "rào chắn" hay không, ông Oettinger thẳng thừng phủ nhận khả năng này, đồng thời nhấn mạnh cần có luật rõ ràng cho việc lưu thông hàng hóa, đi lại tại biên giới giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn đài phát thanh Deutschlandfunk, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas khẳng định nước này không có ý định đàm phán lại giải pháp "rào chắn". Ông Maas khẳng định văn bản dự thảo không còn là vấn đề để tranh luận mà là cơ sở để ra quyết định.
Cùng ngày, hãng Reuters (Anh) dẫn một bản thảo gồm 6 điểm do EU chuẩn bị có nội dung khẳng định EU sẵn sàng đánh giá các phương án nhằm đảm bảo cho điều khoản "rào chắn" trong thỏa thuận Brexit cũng như đảm bảo cho chính thỏa thuận này nhận được sự ủng hộ tại Hạ viện Anh. Bản thảo được EU chuẩn bị cho Thủ tướng Anh Theresa May, nhằm giúp vị lãnh đạo này thuyết phục Quốc hội Anh đang còn nhiều chia rẽ thông qua thỏa thuận Brexit mà London và EU đã đạt được cuối tháng trước. Bản thảo cũng nêu rõ những sự đảm bảo mà phía EU đưa ra sẽ không "làm thay đổi hay đối ngược" với thỏa thuận đã đạt được. Tuy nhiên, hiện 27 quốc gia thành viên EU vẫn chưa thể thống nhất toàn bộ nội dung bản thảo này, đặc biệt là đoạn nói về sự sẵn sàng của EU nhằm cung cấp thêm đảm bảo cho Anh.
Thủ tướng Anh Theresa May sẽ tới Brussels ngày 13/12 nhằm tìm kiếm sự đảm bảo từ EU để tăng cơ hội thỏa thuận Brexit được thông qua tại Quốc hội nước này. Trước đó, Chính phủ Anh đã hoãn đưa thỏa thuận này ra bỏ phiếu tại Hạ viện theo kế hoạch ban đầu nhằm kéo dài thời gian tìm kiếm sự đảm bảo về pháp lý cho điều khoản "rào chắn" gây tranh cãi. Bộ trưởng Brexit Anh Stephen Barclay (Xti-phân Bác-lây) cho biết bà May đang nỗ lực để có được sự đảm bảo về pháp lý và chính trị với điều khoản này. Ông khẳng định sau khi đảm bảo được vị trí lãnh đạo trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại đảng Bảo thủ cầm quyền, bà May sẽ có thời gian để thảo luận với EU về vấn đề này trong các cuộc họp ngày 13-14/12.
Trước đó, ngày 12/12, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết các nhà lãnh đạo EU sẽ đưa ra một tuyên bố chính thức về Brexit vào tối 13/12, sau khi nghe Thủ tướng Anh trình bày kế hoạch Brexit. Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong thư gửi các nhà lãnh đạo trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra trong ngày 13 và 14/12, Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho biết các lãnh đạo 27 quốc gia thành viên sẽ nhóm họp riêng và thông qua một tuyên bố về Brexit sau khi nghe bà May trình bày. Các nhà ngoại giao cho rằng việc EU ra tuyên bố về Brexit sau hội nghị thượng đỉnh, sẽ giúp tuyên bố này có thêm tính ràng buộc pháp lý và mang lại những đảm bảo rõ ràng cho Anh về việc triển khai thỏa thuận Brexit. Vì thời gian là rất gấp, các lãnh đạo 27 quốc gia cũng sẽ thảo luận về công tác chuẩn bị cho một kịch bản Brexit không có thỏa thuận.
Ngoài vấn đề Brexit, các nhà lãnh đạo EU còn thảo luận về ngân sách dài hạn của khối giai đoạn 2021-2027, các nội dung liên quan đến hội nghị thượng đỉnh Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), tình hình xung đột leo thang tại biển Azov và hội nghị thượng đỉnh EU-Liên đoàn các nước Arab. Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ trình bày báo cáo về việc thực thi thỏa thuận Minsk giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.