Động thái trên đã được thảo luận tại cuộc họp các đại sứ EU ngày 3/6, sau khi Đức, Pháp, Italy, và Hà Lan cho biết đang đẩy nhanh các cuộc đàm phán với các công ty dược phẩm để có thể tiếp cận với các loại vaccine đang được bào chế với mục tiêu phòng ngừa COVID-19.
Quỹ trên, mang tên Công cụ hỗ trợ khẩn cấp (ESI), cũng sẽ được sử dụng để tăng khả năng sản xuất vaccine tại châu Âu, đồng thời đưa ra một đảm bảo trách nhiệm pháp lý cho các công ty dược phẩm.
Nỗ lực của EU được đưa ra sau khi Mỹ có các động thái nhằm đảm bảo mua được các loại vaccine đang được bào chế, trong đó có gần 1/3 trong số 1 tỷ liều đầu tiên dự kiến được đưa ra thử nghiệm của hãng dược AstraZeneca.
Một quan chức EU cho biết khối này cần hành động vì Mỹ đang làm việc này cho dù việc này có thể đồng nghĩa với nguy cơ "mất tiền không" nếu các loại vaccine được đặt mua không thành công với mục tiêu phòng COVID-19.
EU đã sẵn sàng chấp nhận các rủi ro tài chính lớn hơn vì lo ngại không được tiếp cận nhanh với một loại vaccine có thể chống lại loại virus đã làm 5.000 thiệt mạng trên khắp thế giới. EU cũng lo ngại không có đủ liều để tiêm phòng phổ cập cho gần 450 triệu công dân của mình nếu bào chế được một loại vaccine có khả năng phòng SARS-CoV-2.
Khối này đang nghiên cứu một chiến lược tiêm phòng để ưu tiên cho những người cần được tiêm phòng nhất, như các y tá bác sĩ và người già.
Hiện chưa rõ làm thế nào sáng kiến của EU có thể phối hợp với các kế hoạch của các nước thành viên riêng lẻ để đảm bảo có vaccine từ các công ty dược phẩm.