Theo đài RT, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng ông cần 7 tỷ USD mỗi tháng để trả lương, lương hưu và các khoản chi tiêu khác của chính phủ. Mỹ đã cam kết cung cấp một phần ba số tiền đó trong ba tháng tới. EU dự định bù vào khoản thiếu bằng trái phiếu đặc biệt.
Ủy ban châu Âu (EC) đã thông báo ngắn gọn cho đại sứ các nước thành viên về kế hoạch này vào ngày 6/5. Kế hoạch liên quan đến việc phát hành nợ dựa trên bảo lãnh từ các nước thành viên EU. Kế hoạch này có cấu trúc tương tự SURE, tên chương trình quyên góp 100 tỷ euro hỗ trợ cho các công dân EU bị mất việc làm do phong tỏa để phòng chống COVID-19. Khoản nợ đó sau đó được chứng khoán hóa dưới dạng trái phiếu có thời hạn từ 5-30 năm.
Một nhà ngoại giao châu Âu nói với tờ Politico: “Bất cứ khi nào có vấn đề về tiền bạc, Ủy ban châu Âu sẽ nghĩ tới SURE”.
Kế hoạch có thể được công bố sớm nhất là vào ngày 18/5 và ít nhất ba quốc gia gồm Áo, Đức và Hy Lạp đã yêu cầu các lựa chọn thay thế. Họ đang hy vọng các nước không thuộc EU như Nhật Bản, Na Uy và Anh cũng sẽ tham gia, giúp EU bớt gánh nặng nợ nần. Pháp cũng đã đề xuất lãnh đạo các quốc gia EU thảo luận về vấn đề này trong một cuộc gặp thượng đỉnh vào cuối tháng 5.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại EU Josep Borrell đã đề xuất phương án khác để tài trợ cho quá trình tái thiết Ukraine: tịch thu kho dự trữ ngoại hối của Nga đang bị đóng băng theo lệnh trừng phạt của EU.
Trả lời phỏng vấn tờ FT ngày 9/5, ông Borrell dẫn lại việc Mỹ tịch thu khối tài sản trị giá hàng tỷ USD của Ngân hàng trung ương Afghanistan và kêu gọi EU thực hiện hành động tương tự với Nga. Nhà ngoại giao này cho biết hồi tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh nhằm giải ngân 7 tỷ USD vốn thuộc sở hữu của chính phủ tiền nhiệm Afghanistan. Khoản tiền này sau đó sẽ được sử dụng để viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan. Theo ý kiến của ông Borrell, việc sử dụng tài sản của Nga cho các mục đích tương tự là hoàn toàn hợp lý.
Ông Borrell nói rằng một trong những câu hỏi quan trọng nhất hiện nay là: “Ai sẽ chi trả cho việc tái thiết Ukraine? Vì việc này sẽ cần một số tiền lớn”. Ông cho biết khoản tiền huy động được trong các hội nghị gần đây chỉ như “giọt nước giữa đại dương” và kêu cộng đồng quốc tế tìm ra những biện pháp khác để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine. Ông Borrell nhấn mạnh sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga có thể là một cách.
Tuyên bố của nhà ngoại giao EU cũng tương tự quan điểm trước đây của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Nhà Trắng. Phát biểu hồi đầu tháng, ông Michel nói: “Tôi cho rằng điều quan trọng không chỉ nằm ở việc đóng băng các tài sản của Nga mà còn là tịch thu chúng, dùng cho tái thiết Ukraine”.
Vào cuối tháng 4, Nhà Trắng đã trình bày loạt đề xuất toàn diện bao gồm việc thiết lập một cơ quan hành chính tinh gọn để tịch thu tài sản của những nhà chính trị hàng đầu của Nga, sau đó chuyển chúng cho Kiev để “khắc phục hậu quả từ chiến dịch quân sự của Nga”.
Về phần mình, Nga cho rằng các kế hoạch này là “hành động chiếm đoạt tài sản cá nhân”.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2, một nửa dự trữ ngoại hối của Nga - trị giá khoảng 300 tỷ USD - đã bị đóng băng theo một phần của lệnh trừng phạt do Mỹ, EU và các đồng minh áp đặt. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng Moskva không thể lường trước được diễn biến này.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina xác nhận tài sản của Nga đã bị phong tỏa nhưng không bị tịch thu hay trưng dụng. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng Moskva coi việc đóng băng tài sản dự trữ của nước này là động thái chưa từng có tiền lệ và cảnh báo sẽ thách thức những quyết định trên.