Theo bà Valean, một số quy định về giãn cách xã hội tại các sân bay và trên máy bay sẽ phải được tôn trọng nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách, và sẽ cần áp dụng cho đến khi tìm ra vaccine hoặc thuốc điều trị COVID-19. Các biện pháp đang được EC cân nhắc sẽ bao gồm đeo khẩu trang và khử trùng máy bay cũng như tại sân bay. Tuy nhiên, bà không cho biết khi nào có thể nối lại hoạt động vận tải hàng không, mà chỉ nói rằng "chúng ta phải lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia y tế".
Các hãng hàng không bày tỏ lo ngại các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch lây lan trong thời gian qua có thể ảnh hưởng lâu dài. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính cuộc khủng hoảng hiện nay có thể khiến các hãng hàng không thiệt hại tổng cộng 314 tỷ USD.
Trước đó, Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac cũng cho biết các điều kiện để nối lại vận tải hàng không có thể bao gồm để trống hàng ghế ở giữa trên các chuyến bay.
* Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã đưa ra quy định bắt buộc mọi người phải đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đến các nơi có không gian kín từ ngày 15/5, thời điểm chấm dứt lệnh phong tỏa tại nước này.
Xuất hiện trên truyền hình với một chiếc khẩu trang, ông Iohannis cho biết: "Có thể chúng ta sẽ bỏ khẩu trang vào năm tới, khi đại dịch này được kiểm soát". Theo Tổng thống Iohannis, các hạn chế đi lại, một phần của sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, sẽ được dỡ bỏ song việc tụ tập đông người vẫn bị cấm. Ông nói: "Chúng ta sẽ đi lại tự do hơn, nhưng cuộc sống sẽ chưa thể trở lại bình thường như trước khi bùng phát dịch. Chúng ta phải tìm cách để chung sống với virus". Đến nay, Romania đã ghi nhận hơn 9.700 ca nhiễm và 512 ca tử vong.
* Tại Litva, các cửa hiệu, quán ăn ngoài trời và nhiều dịch vụ khác sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 27/4, tuy nhiên, chính phủ nước này hoãn việc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phong tỏa đến ngày 11/5, thay vì 27/4. Các cửa hàng phải hạn chế số khách hàng tại cửa hàng mình, ở mức không quá 1 người trong 10m2. Quốc gia vùng Baltic này hiện ghi nhận 1.370 ca nhiễm, trong đó có ca tử vong.
* Trong một diễn biến khác, tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) cùng ngày cảnh báo sẽ thiếu khẩu trang trong vòng 3-4 tuần tới, khiến hàng triệu người gặp nguy cơ nếu tổ chức y tế tình nguyện này ngừng hoạt động. MSF, nhóm gồm 50.000 bác sĩ hiện đang ở tuyến đầu chống dịch COVID-19 tại 65 quốc gia nghèo nhất thế giới, đã kêu gọi mọi hình thức hỗ trợ để giúp các y bác sĩ của tổ chức này có đủ thiết bị bảo hộ.
Theo Phó giám đốc điều hành MSF Kenneth Lavelle, tổ chức này sẽ cần khoảng 1 triệu khẩu trang mỗi tuần cho 6 tháng tới, nếu không "chúng tôi có thể phải đối mặt với những quyết định khó khăn hơn về việc phải ngừng hoạt động".