Cuộc gặp kéo dài 2 ngày và sẽ là hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của EU từ khi xuất hiện dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Lần gần đây nhất các nhà lãnh đạo họp trực tiếp là tháng 2 và đã không đạt thỏa thuận về ngân sách khối sau hai ngày thảo luận căng thẳng. Các cuộc gặp tiếp theo đều diễn ra trực tuyến do đại dịch diễn biến phức tạp.
Theo kế hoạch, tại cuộc gặp tới, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận lộ trình phục hồi trị giá 750 tỷ euro mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đề xuất. Gói trên bao gồm 500 tỷ euro dưới dạng trợ cấp (theo gợi ý của Pháp và Đức) và 250 tỷ euro dưới dạng cho vay nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi sau một "đòn giáng" chưa từng thấy. Gói phục hồi kinh tế sẽ dựa trên tiền EU đi vay trong 4 năm và phải được sự phê chuẩn của 27 quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, một nhóm tự gọi là "Bộ Tứ tằn tiện" gồm 4 quốc gia Bắc Âu gồm Hà Lan, Áo, Đan Mạch và Thụy Điển đang tìm cách kiềm chế chi tiêu, thiên về các khoản cho vay kèm theo những yêu cầu khắt khe, thay vì các khoản hỗ trợ.
Trong khi đó, một số nước khác cho rằng kế hoạch trên phân bổ tiền chưa hợp lý, dành quá nhiều cho các nước Đông Âu, những nước không nằm trong số bị tác động nhiều nhất vì COVID-19.
Vấn đề sẽ còn phức tạp hơn vì quỹ phục hồi này gắn liền với ngân sách 7 năm của EU mà các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận trong cuộc gặp tới.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Bồ Đào Nha và Slovenia đã nhất trí rằng trong 18 tháng tới, EU cần tập trung vào tái thiết về kinh tế và xã hội sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Đây là quãng thời gian ba nước đảm nhận cương vị chủ tịch luân phiên EU. Đức sẽ đảm nhận vào tháng 7 tới, sau đó là Bồ Đào Nha từ tháng 2/2021 và Slovenia từ tháng 7/2021.
Sau cuộc họp trực tuyến 3 bên, người phát ngôn của bà Merkel cho biết: "Chương trình chung của bộ ba sẽ tập trung vào quản lý đại dịch COVID-19 và tái thiết châu Âu về kinh tế và xã hội. Mục đích là củng cố khả năng chống chọi của EU với các cuộc khủng hoảng dịch tễ trong thời gian dài". Các nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng để giải quyết các hậu quả xã hội của dịch COVID-19, châu Âu phải nhanh chóng trở lại đà tăng trưởng kinh tế. Ba Thủ tướng cũng nhất trí các biện pháp chống biến đổi khí hậu và ưu tiên số hóa trong các nỗ lực phục hồi.